Kinh tế suy thoái ảnh hưởng khá nhiều đến quá trình tác phẩm nghệ thuật được lưu hành, đòi hỏi các nhà sưu tập, đấu giá phải có những chuyển biến hợp thời để thúc đẩy thị trường.
Tác phẩm “Still Life and Owl” (1949), Gertrude Abercrombie. Nguồn: Rago Arts/Wright
Nguyên nhân thị trường nghệ thuật suy giảm
Kinh tế đang ở trong tình trạng khủng hoảng nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008. Hơn nữa, lãi suất và lạm phát ngày càng tăng đã đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên tiền rẻ (cheap money) trong thập kỷ qua.
Vì thế, các nhà đầu tư nghệ thuật đang thận trọng hơn trong việc sử dụng quỹ tiền và các thị trường đang đối mặt với việc thắt chặt chi tiêu, trong số đó thị trường nghệ thuật cũng đối mặt với nhiều khó khăn.
Nhu cầu nghệ thuật vẫn tương đối ổn định, trong khi đó, việc thiếu nguồn cung chất lượng là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm của thị trường trao đổi tranh. Vào năm 2020, đại dịch bùng phát, các nhà sưu tập giữ lại các tác phẩm, dẫn đến việc thị trường bão hòa vào năm tiếp theo. Đại dịch làm trì hoãn tình hình, kết hợp nền kinh tế suy giảm hiện tại dẫn đến những sự thay đổi sâu sắc.
Roni Gurfinkel – giám đốc kinh doanh tại MutualArt giải thích: “Các điều kiện để bán tác phẩm nghệ thuật đang trở nên phức tạp hơn. Những yếu tố nhỏ hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến các kết quả và mức giá hoàn toàn khác nhau”. Trong thời đại của việc ưa chuộng cái rẻ, các tác phẩm nghệ thuật – với giá tăng vượt trội, vốn được cho là sẽ sinh lợi – hiện giờ không chắc là sẽ mang lại lợi nhuận.
Việc tranh được bán ở đâu và nhà đấu giá nào nhận ký gửi có tác động đáng kể. “Một lượng lớn các nhà sưu tập tìm đến chúng tôi để được giúp đỡ vì họ hiểu rằng chúng tôi có phạm vị tiếp cận khắp thế giới, nhiều kinh nghiệm và mối quan hệ thân thiết với các nhà đấu giá”, Gurfinkel cho biết.
Dizzy Gillespie, (1949), Gertrude Abercrombie. Nguồn: Rago Arts/Wright
Roni Gurfinkel ví dụ hai hai bức tranh của Gertrude Abercrombie mà cô ấy vừa ký gửi thay mặt cho một khách hàng. Sau khi đàm phán với một số nhà đấu giá khác nhau, Gurfinkel quyết định rằng Rago/Wright sẽ là địa điểm phù hợp những tác phẩm này. Lý do là vì trụ sở nhà đấu giá đặt tại Chicago, phù hợp với sức ảnh hưởng sẵn có của tác giả Abercrombie đối với local art. Thế là, hai bức Still Life and Owl và Dizzy Gillespie (năm 1949), cuối cùng thu về tổng cộng 529.200 đô la Mỹ, hơn gấp đôi so với ước tính tổng cộng 220.000 đô la. Đây là những bức tranh của họa sĩ Abercrombie có giá trị cao nhất cho đến hiện tại.
Ngoài ra, nguồn gốc của nghệ sĩ đóng một vai trò nhỏ hơn trong quá trình ra quyết định. Gurfinkel chia sẻ cô từng hợp tác nhà sưu tập người Mỹ để bán những tác phẩm đời đầu của Ayako Rokkaku đời đầu – một nghệ sĩ đương đại Nhật Bản được săn đón.
Sau khi cân nhắc các đề nghị từ một số nhà đấu giá và được khách hàng chấp thuận, họ chọn nhà đấu giá Bonhams (Hồng Kông). Tại đây, tác phẩm được bán gần với định giá cao ban đầu.
Untitled (2006), Ayako Rokkaku. Nguồn: Bonhams Hong Kong
Những điểm mới
Hơn bao giờ hết, các chủ sở hữu tác phẩm nghệ thuật muốn dựa vào kiến thức chuyên môn để kiểm soát thị trường đầy biến động này. Bên cạnh việc tận dụng các công cụ AI, cơ sở dữ liệu đấu giá đã trở thành một thành phần không thể thiếu đối với những nhà sưu tập đang tìm kiếm giao dịch tốt nhất.
Báo cáo thị trường nghệ thuật toàn cầu của Art Basel và báo cáo
thị trường nghệ thuật UBS (2022) ghi nhận doanh số tác phẩm nghệ thuật tăng 3% và lượng giao dịch chỉ tăng 1%. Nhìn chung, phần lớn sự tăng trưởng bắt nguồn từ phân khúc hàng đầu của thị trường – là các đại lý có doanh thu trên 10 triệu đô la. Trong khi đó, những người có doanh thu thấp hơn tăng trưởng chậm.
Các nhà đấu giá cũng tương tự, cho rằng doanh số bán hàng ổn định của họ là nhờ vào phân khúc cao cấp nhất của thị trường. Cả hai nhà đấu giá nổi tiếng Christie’s và Sotheby’s đều báo cáo doanh thu kỷ lục vào năm 2022. Christie’s chứng kiến mức tăng trưởng hơn 30% trong các cuộc đấu giá, còn các hoạt động bán hàng riêng (private sale) giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn Sotheby’s có doanh số bán đấu giá cao hơn 9,5% và giảm 15% trong các giao dịch riêng. Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC vào tháng 11/2022, Charles Stewart – giám đốc điều hành của Sotheby’s – khẳng định thị trường nghệ thuật từ lâu đã chứng tỏ mình là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ kinh tế bất ổn, nhưng có những biến chuyển khó lường. Như những chương trình gần đây, khách mua hơn phân nửa là người châu Á – một điểm chứng tỏ thị trường đang chuyển dịch.
Untitled (khoảng năm 1962), Ernie Barnes. Nguồn: Bonhams Los Angeles
Tương lai của thị trường nghệ thuật
Khía cạnh toàn cầu hóa sẽ đóng một vai trò quan trọng trong khả năng phục hồi của thị trường nghệ thuật trước nguy cơ kinh tế suy thoái. Đại
dịch buộc những người chơi nghệ thuật phải có một mức độ minh bạch mới. Lúc trước, họ vốn phản đối việc công khai các số liệu giao dịch – ngầm kìm hãm ngành nghệ thuật, khiến thị trường này có vẻ không minh so với các lĩnh vực khác.
Thế nhưng, hiện tại sự minh bạch có vai trò thiết yếu. Sự cởi mở là chìa khóa giúp kết nối người bán – mua và đem lại kết quả tối ưu cho các giao dịch.
Tal Yahav – giám đốc điều hành của MutualArt – giải thích: “Dịch vụ ký gửi của chúng tôi mang sứ mệnh làm cho thị trường nghệ thuật trở nên minh bạch và dễ tiếp cận thông qua dữ liệu hữu ích cho cả hai bên trong thỏa thuận”.
Kết
Nghệ thuật thực sự đã chứng tỏ mình là một thị trường lưu trữ tiền an toàn trước những biến động kinh tế. Tuy nhiên, tiến độ áp dụng công nghệ châm và thiếu minh bạch có thể cản trở thị trường nghệ thuật phát triển. Mua bán tranh đang trở nên thử thách hơn và đòi hỏi nhà sưu tập, nhà đấu giá nâng cao chuyên môn, tinh nhạy trước các xu hướng chuyển dịch của thế giới.
Nguồn: Mutualart