Trong thế giới hậu Covid, các nhà sưu tập am hiểu công nghệ tiếp tục phá vỡ mô hình giao dịch trực tiếp truyền thống.
Phòng trưng bày ảo theo công nghệ metaverse và giao dịch mua bán online sẽ tiếp tục phát triển
Thị trường nghệ thuật và đồ cổ, với mức độ phủ sóng hạn chế, hiện đang dần có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trực tuyến. Trên nền tảng TikTok, hashtag #antiquestorefinds có hơn 36,9 triệu lượt xem. Influencers đăng tải thông tin mua hàng của họ và các nhà môi giới chia sẻ những mẹo nội bộ khi tìm mua hàng. Nhiều nhà bán đấu giá lớn cập nhật các mẩu tin ngắn về buổi bán hàng trên Instagram cho hàng triệu người xem. Và trang web của các nhà môi giới sành công nghệ đăng tải hình ảnh các mặt hàng với độ phân giải cao kèm với giá tiền rõ ràng.
Năm ngoái, giao dịch mua hàng trực tuyến chiếm 20% doanh số bán hàng trong thị trường nghệ thuật, cao hơn gấp đôi so với con số 9% trước đại dịch. Bất chấp sự trở lại đáng hoan nghênh của mô hình giao dịch trực tiếp, thương mại điện tử vẫn sẽ tiếp tục phát triển vào năm 2022. Kỹ thuật số hóa là hậu quả của các đợt đóng cửa kéo dài do đại dịch Covid-19, buộc nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận giao dịch trực tuyến. Nội dung trên mạng xã hội và các phòng xem trực tuyến hiện là những công cụ bán hàng được sử dụng rộng rãi, qua đó đã thu hút một thế hệ hoàn toàn mới các nhà sưu tập trẻ tuổi.
Những người mua mới và động lực của họ cũng đa dạng như chính thị trường. Theo một khảo sát vào năm 2022, 74% người mua nghệ thuật và đồ sưu tầm dưới 35 tuổi với mục đích ủng hộ cộng đồng nghệ sĩ (khi so sánh với 33% người mua lớn tuổi hơn). Ảnh hưởng xã hội cũng là một yếu tố quan trọng để người trẻ mua các mặt hàng nội thất và trang sức cổ, khi những mặt hàng này truyền tải thông điệp bền vững do tính dễ “tái chế và tái sử dụng”. Eve Oliver, quản lý phòng PR và marketing tại IACF, thường xuyên tương tác với khách hàng tại các hội chợ đồ cũ lớn ở châu Âu nói rằng: “Người trẻ muốn mua loại nội thất mà họ không vứt ngay ngày hôm sau. Với 9 trên 10 khách hàng mà tôi tương tác cùng đã chia sẻ, động lực lớn nhất của họ là vì môi trường.”
Thêm vào đó, trong thời gian phong tỏa, nhà cửa trở thành một điểm đặc trưng thị giác khi người trẻ hoạt động trên các kênh truyền thông xã hội. Những món đồ độc nhất vô nhị khi đó dễ gây nổi bật hơn trên các nền tảng tràn ngập đồ nội thất thông thường. Những influencer nổi tiếng trong giới đồ cổ như @tradchap đã bắt đầu xu hướng này bằng cách tạo một tài khoản “cảm hứng nhà ở” song song với tài khoản giao dịch thông thường của mình trên Instagram.
Tại các nhà đấu giá lớn, những người có giá trị tài sản ròng cao (HNWIs) cũng bắt đầu tạo những dấu ấn riêng biệt. Mặc dù độ tuổi trung bình của các tỷ phú nằm ở mức 63 tuổi, số lượng các tỷ phú trẻ (dưới 50 tuổi) cũng đang dần tăng; những người này thường là doanh nhân tự thân trong lĩnh vực công nghệ và tài chính. Những HNWIs trẻ tuổi được thừa hưởng tài sản từ họ hàng cũng bắt đầu sưu tập. Dữ liệu gần đây cho thấy hầu hết các tỷ phú thuộc thế hệ Gen Z và Millennial đầu tư vào nghệ thuật, cũng như những người từ thế hệ Gen X và Boomer. Nhưng những yếu tố chính yếu đã thuyết phục (đa số) người trẻ và những triệu phú sành công nghệ chịu chi lớn cho NFTs, là cách thức mua hàng trong thời kỳ đại dịch, bao gồm các buổi đấu giá trực tuyến độc nhất và phương thức thanh toán bằng tiền điện tử.
Thật vậy, sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật số đã vĩnh viễn thay đổi bối cảnh giao dịch thương mại. Khi các mặt hàng như khăn trải bàn cổ điển hoặc kiệt tác nghệ thuật thế kỷ 17 ở Hà Lan đều có giá niêm yết rõ ràng. Tại các hội chợ, Oliver để ý các thương nhân thoải mái hơn rất nhiều khi có khách đến chụp hình các mặt hàng bày bán, thậm chí một số người còn vui vẻ tham gia livestream của khách. Christine Bourron, giám đốc điều hành của Pi-eX, chỉ ra rằng doanh số bán hàng trong ngày tại các nhà đấu giá lớn hiện đang rất tốt: “Nhờ vào toàn bộ quy trình đấu giá trực tuyến, hoạt động bán hàng vào thời gian này vô cùng hiệu quả. Xu hướng mới mà chúng tôi nhận thấy gần đây là có nhiều người tham gia hơn thông qua đấu giá trực tuyến trong các đợt bán hàng trong ngày.”
Nhưng khi các đợt lệnh phong tỏa dần được xóa bỏ tại các quốc gia, hoạt động bán hàng trực tuyến bổ trợ như thế nào đối với mô hình giao dịch truyền thống? Đây là lúc tương lai trở nên mù mịt. Các doanh nghiệp cần quyết định mô hình giao dịch phù hợp nhất khi đứng giữa các lựa chọn, mô hình kinh doanh gạch-vữa truyền thống, mô hình giao dịch điện tử hay là sự kết hợp của cả hai. Một số nhà đấu giá lớn vẫn đưa ra lựa chọn phòng trưng bày ảo (“phygital” galleries) (mô phỏng hình ảnh thị giác của phòng tranh vật lý), công nghệ metaverse và chỉ bán trực tuyến song song với các buổi đấu giá trực tiếp thông thường. Bằng cách này, họ có thể cân bằng giữa nhu cầu của những người HNWIs trẻ am hiểu công nghệ với các nhà sưu tập lâu đời ưa thích sự hồi hộp đến từ hình thức đấu giá truyền thống.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đang dần rút khỏi không gian trưng bày vật lý. Sau cùng, nền tảng mua hàng trực tuyến đã chứng minh rằng họ có thể tự mô phỏng một số liên kết quan trọng trong cộng đồng nghệ thuật và đồ cổ, mà không cần chịu giá thuê cao ngất ngưỡng của một tòa nhà. Những influencer trong lĩnh vực thiết kế nội thất có thể hỗ trợ các đại lý qua việc chia sẻ những mặt hàng đã mua với người theo dõi của họ. Mạng xã hội cũng đã tạo điều kiện cho khách hàng được đặt câu hỏi và ra giá mua chỉ với một cú nhấp chuột.
Dù cho doanh nghiệp có lựa chọn ưu tiên giữa gạch và nhấp (bricks or clicks), một điều rõ ràng là tương lai phía trước sẽ đầy biến động: với ngày càng nhiều cơ hội hơn bao giờ hết trong việc làm hài lòng khách hàng lâu năm và đồng thời lôi kéo một thế hệ mới những nhà sưu tập trẻ tham gia vào thị trường nghệ thuật.
Theo The Art Newspaper