Một tác phẩm nghệ thuật trị giá hàng ngàn đô hôm nay có thể tăng lên hàng triệu sau một thập kỷ, khiến chúng trở thành một loại tài sản bạn có thể đổ tiền vào nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình. Do là tài sản hữu hình không bị thanh khoản, tác phẩm nghệ thuật đến từ nghệ sĩ nổi tiếng có giá cao có thể vượt ngưỡng cao hơn nữa sau thời gian dài. Tuy nhiên thị trường vốn nhiều biến động, lợi nhuận có thể tăng cao tại thời điểm này và suy giảm cực thấp tại một thời điểm khác.
Mặc dù vậy, đầu tư vào nghệ thuật vẫn là một lựa chọn tuyệt vời cho những người có điều kiện chi tiêu xa xỉ, cũng như có sự kiên nhẫn chờ đợi giá trị tài sản đầu tư tăng dần. Sau đây là những mẹo quan trọng để cân nhắc trước khi bạn quyết định đầu tư vào nghệ thuật.
Thu thập thông tin và kiến thức
Ảnh: Juliet Furst/Unplash
Trước khi đầu tư vào nghệ thuật, bước quan trọng đầu tiên là thu thập thông tin về nghệ thuật. Có nghĩa là, bạn nên biết những phong cách nghệ thuật khác nhau và học cách phân biệt chúng dựa trên thông tin đó. Làm sao để làm được điều này? Đọc các ấn phẩm nổi tiếng về nghệ thuật, tham quan các phòng trưng bày, bảo tàng và tham dự các sự kiện như Art Basel, the Venice Biennial và Hội chợ Nghệ thuật Quốc Tế Hong Kong. Việc tham gia vào những buổi triển lãm sẽ giúp bạn phát triển cảm quan nghệ thuật và hiểu được các sắc thái của nghệ thuật.
Sau bước thu thập thông tin, bạn có thể đã hiểu được các phong trào như Chủ nghĩa Hiện đại, Chủ nghĩa Lập thể, Chủ nghĩa Biểu hiện và Chủ nghĩa Ấn tượng cùng với một số chủ nghĩa khác đã ảnh hưởng đến nền nghệ thuật trong những năm qua. Tương tự, khi biết đến các kiệt tác và phong cách cá nhân của các bậc vĩ nhân như Da Vinci, Rembrandt, Van Gogh, Monet và Raphael sẽ giúp bạn tự tuyển chọn cho mình các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng có giá trị đặc biệt. Nếu bạn có thể xác định được tranh của Pablo Picasso qua một cái nhìn, bạn đã sẵn sàng rồi đấy.
Ngay cả khi nếu bạn chưa trở thành một chuyên gia, bạn vẫn có thể theo dõi sự phát triển của thị trường nghệ thuật đương đại. Khi có nghi ngờ, hãy đọc thêm về nghệ sĩ và thu thập thêm thông tin về tác phẩm của họ trước khi chọn mua.
Hãy nhớ đến rủi ro
Ảnh: Toa Heftiba/ Unplash
Nghệ thuật luôn mang tính chủ quan. Giá trị của nó thay đổi theo sự biến chuyển của thị hiếu xã hội. Những gì đang dẫn đầu xu hướng hôm nay có thể tụt hậu vào ngày mai – điều này có thể xảy đến với tác phẩm nghệ thuật đương đại. Do đó, bạn cần chuẩn bị đối phó với tình huống khi giá trị những tác phẩm mình đang sở hữu bỗng dưng tụt dốc. Ngoài rủi ro mất giá, nguy cơ trộm cắp và hư hại vẫn rất cao trong trường hợp các tác phẩm nghệ thuật hiếm có.
Tính đến chi phí bảo quản và các chi phí khác
Ảnh: Alina Grubnyak/Unplash
Quên giá mua đi; giá bảo quản một tác phẩm đạt giải cũng cần cả gia tài để lưu giữ trong bộ sưu tập tư nhân. Chủ sở hữu của những kho báu này cũng cần tính đến chi phí lưu trữ, tức cơ sở vật chất để bảo quản tác phẩm ở nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng thích hợp vào mọi thời điểm để giữ chúng trong tình trạng tốt nhất.
Bảo hiểm cũng là một chi phí khác cần cân nhắc trước khi đầu tư vào nghệ thuật. Mặc dù chi phí này không quá đắt đỏ khi so sánh với trang sức, chúng vẫn là một khoản chi cần được tính đến. Tuy nhiên cũng có một lợi thế nhất định; những chuyên gia bảo hiểm tác phẩm nghệ thuật có thể đưa ra lời khuyên tốt nhất để giữ gìn tác phẩm dựa theo vị trí của bạn.
Giá trị thị trường tự do của bức tranh càng lớn thì nguy cơ trộm cắp càng cao. Từ đó phát sinh thêm chi phí bảo vệ ở mức cao nhất cho những tác phẩm đắt giá.
Thêm vào đó, khi mọi thứ đều có thể bị đánh thuế, hãy sẵn sàng trả thuế cho các tác phẩm nghệ thuật. Giá thuế thường cao, tùy vào nơi sống của bạn. Ví dụ, Hong Kong không đánh thuế cho việc xuất nhập khẩu tác phẩm nghệ thuật, còn Trung Quốc thì đánh thuế gần 30 phần trăm đối với tác phẩm nghệ thuật nhập khẩu.
Mua từ nguồn uy tín
Ảnh: Bill Oxford/Unplash
Một trong những vấn đề lớn nhất mà thị trường nghệ thuật liên tục đối mặt trong hàng thập kỷ qua là hàng giả. Nhiều người đã dành cả gia tài cho tác phẩm nghệ thuật được cho là nguyên bản, chỉ để biết được giá trị thực của chúng sau khi phát hiện đó là hàng giả do kẻ lừa đảo bán. Kiến thức về nghệ thuật rất quan trọng trong việc giúp người mua tiềm năng xác định được giá trị thực của một tác phẩm nhưng rủi ro vẫn tồn tại. Một trong những cách tránh bị lừa đảo là mua các tác phẩm từ những nơi uy tín, như các sàn đấu giá Christie’s hay Sotheby’s, hội chợ nghệ thuật, phòng trưng bày và bảo tàng nghệ thuật. Cần lưu ý rằng các nhà đấu giá có phí bảo hiểm riêng của họ so với giá bán tác phẩm nghệ thuật đấu giá, điều này cần được tính đến trước khi bạn định mua một bức tranh cổ điển.
Tham khảo ý kiến cố vấn
Ảnh: KOBU Agency/ Unplash
Kiến thức cá nhân có thể đã giúp bạn vững vàng, tham khảo ý kiến từ cố vấn nghệ thuật chuyên nghiệp sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn về tác phẩm định mua. Một chuyên gia luôn biết được giá trị thực của một tác phẩm nghệ thuật và có thể đưa ra góc nhìn khách quan cần thiết để giúp bạn đầu tư đúng đắn. Rủi ro tiềm ẩn có thể được trình bày rõ ràng để bạn cân nhắc. Bạn cũng cần biết đến những lựa chọn khác để mở rộng danh mục đầu tư của mình ngoài việc mua những tác phẩm nghệ thuật vô giá.
Biết được điều mình muốn và số tiền mình có thể chi
Ảnh: Alexander Mils/ Unplash
Về cơ bản, có ba loại nghệ thuật mà bạn có thể mua – bản gốc, bản in và bản sao chép – và khả năng bán lại tác phẩm cũng phụ thuộc vào từng loại nêu trên.
Bản gốc đương nhiên sẽ có giá trị cao nhất. Sau đó đến bản in. Bản in giclée (zhee-klay) có chất lượng cao nhất. Số lượng bản in càng ít, thì giá trị càng cao. Giá trị của một bản in giclée có thể tăng khi có chữ ký hoặc có nét vẽ gốc của nghệ sĩ bên lề. Tuy nhiên, chúng có thể không có giá trị bán lại. Mặt khác, bản sao chép được sản xuất hàng loạt và về cơ bản chúng không có giá trị.
Bao nhiêu tiền bạn có thể chi, bao gồm cả các chi phí phát sinh có thể tăng hay giảm tùy vào sự suy giảm giá trị của tác phẩm, cần được cân nhắc khi bạn định mua một loại tác phẩm nghệ thuật nhất định.
Đừng đầu tư quá nhiều tiền
Ảnh: Photoholgic/ Unplash
Ngay cả khi bạn có nhiều tiền để chi, cũng đừng chi quá nhiều vào nghệ thuật. Mặc cho tiềm năng của chúng, khả năng trả lãi của nghệ thuật không đủ lớn để bạn có thể tựa vào khi các nhánh đầu tư khác rớt giá. Nghệ thuật chỉ là một danh mục đầu tư bổ trợ, không phải là danh mục chính. Do vậy, việc đặt quá nhiều tiền vào nghệ thuật không phải là điều đúng đắn nên làm.
Lập kế hoạch cho bộ sưu tập của bạn
Ảnh: Mick Haupt/ Unplash
Chuyện gì sẽ xảy đến với bộ sưu tập của bạn khi bạn qua đời? Khi người thừa kế thừa hưởng những bức tranh của bạn, họ cũng hưởng luôn các khoản thuế theo đó. Cách tốt nhất để tránh thuế, trong những quốc gia có đánh thuế, là đưa bộ sưu tập của bạn cho bảo tàng hoặc quỹ tín thác. Bảo tàng thường sẵn sàng nhận các bộ sưu tập nghệ thuật tùy vào nhu cầu của họ và giá trị của các tác phẩm– về cả mặt tiền tệ và thẩm mỹ. Bạn nên tham khảo ý kiến luật sư để hiểu cách thức hoạt động và biết quỹ tín thác nào sẽ là lựa chọn tốt nhất hoặc các cách khác để bảo toàn bộ sưu tập của mình.
Theo Lifestyle Asia