Xuyên suốt chiều dài lịch sử phát triển hội họa, dấu ấn lưu lại của những nữ họa sĩ chiếm vị trí không nhỏ. Họ dùng nét cọ, chấm phá lên bản đồ thế giới và lưu danh vì những tác phẩm đã cống hiến lẫn tư duy, quan niệm mới mẻ, phá vỡ định kiến xã hội về nghệ thuật.
Rosa Bonheur
Sinh thời, Rosa Bonheur (16/03/1822 – 25/05/1899) nổi tiếng nhờ những tác phẩm vẽ động vật. Sự thành công này là trái ngọt mà Bonheur gặt hái được từ lòng tận tụy với hội họa. Bonheur đích thân đến các lò mổ và chợ gia súc để tìm hiểu, quan sát cơ thể loài vật mà nữ họa sĩ họa lại trên vải. Trong thời đại đó, việc học về giải phẫu học, khỏa thân, vốn là một bài học cơ bản trong hội họa lại cấm phụ nữ tiếp cận. Bonheur thậm chí phải xin phép cảnh sát để được mặc quần dài cho thuận tiện hơn. Để hoàn thành bức The Horse Fair, Bonheur dành hơn một năm rưỡi để tới hội chợ ngựa và phác thảo trực tiếp, và đây trở thành một trong những bức họa vang danh nhất của Bonheur.
Bức The Horse Fair (Hội chợ ngựa) được vẽ và hoàn thiện từ 1822-1855
Marianne North
Marianne North (24/10/1830 – 30/08/1890) vẽ kỳ hoa dị thảo khắp thế giới. Marianne du lịch muôn nơi, đi càng xa nhà càng tốt với khát khao được họa lại muôn vàn thực vật. Năm 26 tuổi, bà cùng cha đến Vườn thực vật hoàng gia Kew, và nơi đây mở ra trang mới trong cuộc đời Marianne. Mặc cho định kiến xã hội thời đó trói buộc người phụ nữ không nên đi du ngoạn một mình, mà chỉ nên xoay quanh gia đình, chăm chồng dạy con, Marianne bước trên hành trình đơn độc suốt thời gian dài, đặt chân đến những vùng kỳ dị, hoang dã nhất trên Trái Đất. Phong cách vẽ của bà cũng không tuân theo quy củ vẽ thực vật thông thường. Marianne lựa chọn lối vẽ tranh sơn dầu, nét bút táo bạo và màu sắc đậm, rõ ràng, thể hiện được cả không gian sinh trưởng của loài thực vật.
Old Banyan Trees at Buitenzorg, Java (Những cây đa già tại Buitenzorg, Java)
Hilma af Klint
Hilma af Klint (26/10/1862 – 21/10/1944) là một trong những họa sĩ được quý trọng nhất của Thụy Sĩ, cũng là một trong những người tiên phong cho trường phái nghệ thuật trừu tượng. Những chủ thể chiếm vị trí cốt yếu trong tranh của bà là những đường nét, mảng màu sắc và những khối hình học. Tuy vậy, mãi đến năm 1986, tác phẩm của Klint mới chính thức ra mắt công chúng thông qua một triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật Hạt Los Angeles (Los Angeles County Museum of Art). Nguyên nhân chính là vì Klint e ngại rằng xã hội lúc bấy giờ sẽ không chấp nhận và thấu hiểu được tranh trừu tượng của mình. Bà muốn biến những thứ vô hình thành hữu hình, và khắc họa tất thảy những gì vượt xa khỏi thế giới vật lý mà chúng ta hằng biết.
Evolution Nº 13, Group VI
Florine Stettheimer
Florine Stettheimer (19/08/1871 – 11/05/1944) sở hữu bức chân dung tự họa khỏa thân đầu tiên, mặc cho những tiêu chuẩn kiêng kị về giới tính và chủng tộc. Phong cách hội họa của nữ họa sĩ người Mỹ thấm nhuần sự nữ tính. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Stettheimer phải kể đến bộ 4 bức tranh vẽ về những địa điểm mà bà nhận định là “thánh đường” New York: Broadway, Wall Street, Fifth Avenue, cùng ba bảo tàng nghệ thuật trọng điểm của New York. Không chỉ vậy, Stettheimer còn là một nhà thơ, nhà thiết kế sân khấu ưu tú, và bà còn là chủ của những bữa tiệc hoành tráng nhất New York thời bấy giờ. Các bức tranh lột tả đời sống thượng lưu New York của Stettheimer thường rực rỡ màu sắc và nhiều chi tiết ấn tượng.
Asbury Park South