Chuỗi tác phẩm của 12 phòng trưng bày từ chủ nghĩa tiêu dùng sặc sỡ của Sungsil Ryu đến các bản phác thảo bên bờ biển của Laetitia Yhap.
Hiện trạng sáng tạo nghệ thuật ở châu Á đang như thế nào, đặc biệt trong bối cảnh bị gián đoạn bởi các đợt lệnh cách ly kéo dài và biên giới đang thắt chặt? Trong lần khai mạc Hội chợ Frieze Seoul, đối trọng với chuỗi các phòng trưng bày blue chip quốc tế là phần Tiêu điểm châu Á (Asia Focus), với 10 gian hàng của các phòng trưng bày châu Á (có tuổi đời từ 12 năm trở xuống) tạo cơ hội cho ta trả lời câu hỏi trên.
Tôi tò mò về Phần Tiêu điểm châu Á, được thẩm định bởi Christopher Y Lew của tổ chức Horizon LA và Hyejung Jang từ phòng trưng bày Doosan Seoul, có thể cho ta biết gì về những uẩn khúc xoay quanh nghệ thuật châu Á. (Như giám tuyển David Xu của Borgonjon từng châm biếm: “Bạn chỉ có thể là người châu Á bên ngoài khu vực châu Á”) Nhưng Lew và Jang lại không hứng thú trong việc định hình nghệ thuật châu Á. Mục đích của họ, như Lew nói, “để trưng bày một loạt cách thực hành nghệ thuật của các nghệ sĩ khắp lục địa”. “Chúng tôi muốn biết ý nghĩa của nghệ thuật khi nối dài khoảng cách địa lý – từ Iran đến Indonesia – cũng như theo từng thế hệ, chiến lược nghệ thuật và truyền thông.”
Một số tác phẩm nghệ thuật rơi vào vùng trũng kỳ lạ giữa sự mô phỏng và thực tế. Phòng trưng bày P21 của Seoul dành gian hàng của mình cho nghệ sĩ sinh năm 1993 – Sungsil Ryu, một trong những nghệ sĩ trẻ tuổi nhất của phần Tiêu điểm. Trong những thước phim sặc sỡ về chủ nghĩa tiêu dùng quá mức ở Hàn Quốc, nghệ sĩ thường hóa thân thành các nhân vật quái đản, chẳng hạn như một influencer lan truyền thuyết âm mưu về Bắc Triều Tiên trên nền tảng YouTube. Trong phim “BigKing Travel Ching-Chen Tour – Mr. Kim’s Revival” được trình chiếu, Ryu với cương vị là hướng dẫn viên du lịch (hoặc là kẻ lừa đảo, tùy góc nhìn của bạn) đưa bạn đi quanh một hang động nạm thạch anh tím, một ngôi nhà nghỉ dưỡng dưới nước và một cung điện bằng vàng.
Tác phẩm của Fyerool Darma tại Yeo Workshop, Singapore. Dưới sự cho phép của nghệ sĩ và Yeo Workshop. Hình ảnh: Ng Wu Gang
Ngoài ra còn có diễn biến thú vị về “sự căng thẳng nảy sinh giữa tác phẩm vật lý và cách tiếp cận kỹ thuật số”, Lews nói. Ví dụ, ông nhắc đến nghệ sĩ Fyerool Darma, đại diện bởi Yeo Workshop đến từ Singapore, đã kết hợp “vật liệu kỹ thuật và ảnh từ màn hình”. Darma khai phá các khía cạnh của lịch sử và bản sắc Đông Nam Á qua những bức tranh tường rối mắt kết hợp họa tiết vải truyền thống Malay và cảnh nền trong trò chơi điện tử.
Nghệ sĩ gốc Bắc Kinh Tao Hui, đại diện bởi Kiang Malingue đến từ Hong Kong, quan tâm đến việc văn hóa màn hình đã thực dân hóa ký ức của chúng ta như thế nào. Dự án phim năm 2016 Joint Images đã diễn tả một nhóm diễn viên diễn lại các cảnh từ phim truyền hình Trung Quốc (với bản gốc bộ phim chiếu song song ở phía sau). Bộ phim Being Wild được trình chiếu ở Seoul cũng diễn tả một dòng chảy kỳ lạ của những khoảnh khắc thoáng qua: một người phụ nữ trượt patin qua những đoạn đường vắng vẻ (có lẽ trong thành phố đang cách ly) qua những cảnh lấy từ mô típ phim truyền hình Trung Quốc dài tập, với những đoạn nhạc từ các bài hát dân ca Đài Loan từ những năm 1980.
Một cảnh trong phim Being Wild của Tao Hui. Dưới sự cho phép của nghệ sĩ và Kiang Malingue
Một điểm đáng chú ý khác là sự tập trung vào chất lượng ánh sáng và bóng tối trong tác phẩm nghệ thuật. Dưới sự cho phép của phòng trưng bày Dastan đến từ Tehran, nghệ sĩ Iran Ali Beheshti trưng bày những bức vẽ bí ẩn được tạo ra từ nét bút mực kim và dải màu bột than chì, gợi ý chi tiết liên quan đến các nghiên cứu kiến trúc. Beheshti thực hành nghệ thuật thư pháp và tiểu họa, một nhánh nghệ thuật mực cổ điển – Hormoz Hematian, người thành lập Dastan chia sẻ. Nhưng đâu đó vẫn có một vẻ dứt khoát khiêm tốn từ bảng màu spartan với nhịp điệu đan xen giữa sự thô vụn và tỉ mỉ trong bút pháp của nghệ sĩ.
Nghệ sĩ Rana Begum, do Trung tâm nghệ thuật đương đại Jhaveri từ thành phố Mumbai trưng bày, cũng có sự hứng thú tương tự với màu sắc và độ đậm nhạt của nó. Tác phẩm sắp xếp Dapple Light của Begum được triển lãm tại Trang viên Pitzhanger ở London, tựa như một đám mây làm từ lưới kim loại màu pastel bay lơ lửng bên dưới ánh sáng lung linh được khuếch đại qua cửa kính màu độc đáo của trang viên. Tôi có những e ngại về tác phẩm huyền ảo này sống sót như thế nào dưới ánh đèn lạnh ngắt của một hội chợ nghệ thuật. Nhưng tác phẩm được trưng bày ở Seoul tĩnh lặng hơn: màu nước trên giấy lưới và tác phẩm điêu khắc trên tường được làm bằng gạch tráng gương phản chiếu ánh nhìn của người xem. “Chúng tôi mong muốn có thể tạo nên khoảnh khắc tĩnh lặng và trầm tư trong hội chợ với cách trình bày tối giản.” Amrita Jhaveri, nhà trưng bày của Begum chia sẻ.
Tác phẩm ‘No. 1081 Mesh’ (2021) của Rana Begum. Andy Stagg Photography
Phần trưng bày của nghệ sĩ Jakarta ROH với sự góp mặt của vợ chồng Bagus Pandega và Kei Imazu khai thác xu hướng cộng tác và tư duy sinh thái hiện nay trong thế giới nghệ thuật. Loạt tác phẩm mới dựng lên từ nghiên cứu trên đảo Lusi, một vùng đất được tạo ra từ bùn núi lửa ở vịnh Đông Java. Tranh vẽ của Imazu truy lại dấu vết địa chất: sự chuyển động của lớp bùn phủ lên các loại đất và khoáng chất khác. Tác phẩm đóng góp của Pandega còn lạ lẫm hơn: dùng bùn làm chất bán dẫn và kết hợp chúng thành một bộ tổng hợp hình ảnh.
Tôi không hào hứng với việc thu hẹp một khu vực chiếm 60% dân số thế giới vỏn vẹn thành 10 gian hàng tại hội chợ nghệ thuật. Nhưng tôi vẫn băn khoăn về ý nghĩa của việc chắt lọc số lượng nghệ sĩ tham gia hội chợ. Có lẽ nên nhớ rằng, chiến lược của một hội chợ nghệ thuật khi chỉ định những giám tuyển chuyên môn cao nhằm tăng tính chọn lọc cũng là một chiến lược đánh lạc hướng, dường như để nâng tầm chủ đích thuần thương mại của một hội chợ.
Tuy nhiên, sẽ là một thiếu sót nếu không nhìn đến sự chuyển biến quan trọng trong cách nghệ thuật được sáng tạo và tiêu thụ khắp lục địa. Tuy các phòng trưng bày có tuổi đời rất trẻ, hầu hết các nghệ sĩ đều được sinh trước năm 1990 và khó có thể đoán trước thế hệ nghệ sĩ tương lai trong khu vực phải đối mặt với vấn đề gì. Thêm vào đó, thẩm mỹ văn hóa dọc khu vực này cũng dần thay đổi hậu Covid; một nhà trưng bày người Bắc Kinh nói với tôi rằng, sau những lần cách ly, khán giả từ Trung Quốc đại lục “đang dần mất hứng thú với những gì xảy ra ở phương tây.”
Tác phẩm “Table-turning” (2020) của Hejum Bä. Dưới sự cho phép của nghệ sĩ và Whistle Photo: Jaeuk Lee
Bạn cũng sẽ không để tâm đến những lỗ hở này trong nhiều tác phẩm được trưng bày, dù có là tác phẩm khắc gỗ hình tượng Marilyn Monroe và Elvis của Osamu Mori (trưng bày tại Parcel ở Tokyo), thùng rác và giấy báo bằng gốm sứ của Kimiyo Mishima (phòng trưng bày Sokyo ở Tokyo) hay những bức tranh trừu tượng táo bạo của họa sĩ Hejum Bä (Whistle ở Seoul). Thật vậy, ảnh hưởng của sự chuyển biến này chỉ tác động đến những thứ quen thuộc khiến ta nghi ngờ rằng sự gián đoạn trong những năm gần đây dường như đã không xảy ra.
Tâm điểm của phần Tiêu điểm châu Á là một họa sĩ 81 tuổi đến từ Hasting, một vùng đất vịnh phía nam Anh Quốc. Laetitia Yhap, sinh năm 1941 ở ngoại ô thành phố London với cha người Úc và mẹ người Áo, có các tác phẩm được triển lãm ở phòng trưng bày Tabula Rasa, nơi bắt đầu từ khu nghệ thuật 798 của Bắc Kinh vào năm 2015 đến xây dựng một chi nhánh ở phía đông London vào năm ngoái.
Phía trên: Tác phẩm ‘Bodle and Omo Aboard’ (1979-80); Phía dưới: Tác phẩm ‘Weasel and His Family Sunning Themselves’ (1985-88) do Laetitia Yhap. Dưới sự cho phép của nghệ sĩ và Tabula Rasa.
Kể từ khi cô bắt đầu phác thảo bên bờ biển với vỏn vẻn một cây bút chì và phong bì màu nâu, Yhap đã dành nhiều thập kỷ để ghi lại thị trấn ven biển của Anh: ánh nhìn mãnh liệt của ngư dân miệt mài làm việc, hay một cậu bé lặng lẽ vẽ theo nét bóng trên bãi cát, mặt nước phẳng lặng ở phía xa, được vẽ trên gỗ và dây thừa bên bờ biển. “Chúng tôi cố gắng tiếp cận nghệ thuật không dựa theo địa lý,” Sammi Liu, người sáng lập phòng trưng bày Tabula Rasa chia sẻ. Những bức tranh về quê hương của Yhap là một lời nhắc nhở tương đối về ý tưởng nghệ thuật châu Á không cần bị giới hạn bởi vị trí lãnh thổ.
Theo Financial Times