27 March, 2023

Tranh của 6 danh họa Việt Nam tại triển lãm của HongKong

Vừa qua, các tác phẩm của “Việt Nam Tam Kiệt” – Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, danh họa Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Phan Chánh và họa sĩ Nguyễn Trung đã được giới thiệu đến bạn bè thế giới tại phòng tranh LGDR & Wei (Hong Kong).

Phòng tranh LGDR & Wei triển lãm những tác phẩm của các danh họa Việt Nam từ ngày 18/1 đến 10/3. Ngoài ra, sự kiện còn gồm những cái tên nổi bật của hội họa Singapore, từ đó tạo nên một chủ đề chung: Khung cảnh thế giới: Hội họa hiện đại của Singapore và Việt Nam (Scenes of This World: Modern Paintings from Singapore and Vietnam). Tại triển lãm, khách tham quan dạo bước trong cảnh quan nghệ thuật của Đông Nam Á vào thế kỷ 20 với những đặc trưng gắn liền lịch sử và thời cuộc của nước ta và Singapore.

 

Đây là dịp hiếm hoi tranh của các tên tuổi lớn của Việt Nam tề tụ trong một triển lãm. Nhà giám tuyển Karin G. Oen nhận xét: “Tranh của các nghệ sĩ Việt mang một tâm tình phức tạp và sâu sắc với bản sắc dân tộc. Tranh tựa như lời băn khoăn về con người trong bối cảnh của một đất nước nhiều biến động”. Đây là điều tất yếu trong thời kỳ đất nước có nhiều giao thoa, các họa sĩ nỗ lực để vừa gìn giữ những yếu tố truyền thống, vừa học hỏi điều mới từ nước phương Tây. Năm 1937, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm sang Paris hòa mình vào thế giới nghệ thuật rộng lớn của thế giới. Được giới mỹ thuật phương Tây gọi là “Việt Nam Tam Kiệt”, các họa sĩ đã tô điểm thêm cho “Trường phái hội họa Paris” bằng một nét chấm phá màu sắc Đông Nam Á tươi đẹp.

Femme au rideaux (1940) Lê Phổ

Đơn cử như tác phẩm của Lê Phổ thể hiện sự kết hợp giữa kỹ thuật hội họa của Pháp và Việt Nam. Ông sử dụng sơn dầu dùng cho lụa để vẽ lên Masonite trong các bức tranh về phụ nữ và trẻ em. Những năm 1930 và đầu 1940, tranh của ông thể hiện một số ảnh hưởng từ tranh thời phục hưng của Bỉ, Ý và Hà Lan như bức Femme au rideaux (1940). Bức chân dung lấy cảm hứng từ chủ nghĩa kiểu cách (Mannerism), với chủ thể là người nữ lý tưởng giữa tấm màn son. Còn tác phẩm Materinité au bouquet là tác phẩm mẫu mực của Lê Phổ sau khi định cư ở Pháp. Thời điểm đó, ông đã phát triển một phong cách mới kết hợp giữa những đặc điểm trường phái Ấn tượng và chủ nghĩa lãng mạn.

Materinité au bouquet (1950- 1960) | Lê Phổ

Một số tranh khác của Lê Phổ cũng được trưng bày trong triển lãm này, trong đó có bức tranh lụa màu nhạt Les joueuses de cartes (Người chơi bài) được sáng tác năm 1940 tại Romanet Gallery ở Paris. Ngoài ra, bức Musical Moment (Thời gian âm nhạc) cũng là một tác phẩm đáng nhớ, được hoàn thành năm 1975 tại Gallery Wally Findley, Mỹ.

Les joueuses de cartes –  Người chơi bài  (1940) | Lê Phổ

Họa sĩ Nguyễn Gia Trí nổi tiếng với những bức tranh sơn mài lộng lẫy. Ông thường đặt các đối tượng của mình trong bối cảnh kiến trúc chi tiết và cảnh quan nổi bật. Trong cuộc triển lãm này, bức tranh sơn mài khổng lồ mang tên  Provincial Village (Phong cảnh điền viên) được trưng bày. Tác phẩm hết sức tráng lệ, vừa thực, vừa lung linh huyền ảo, ẩn hiện giữa các lớp sơn. Kiệt tác được sáng tác vào 1940 và được bảo quản cẩn thận để rồi ngày nay có cơ hội giới thiệu với thế hệ trẻ quan tâm nghệ thuật.

 Provincial Village – Phong cảnh điền viên (1940) | Nguyễn Gia Trí

Tranh của Nguyễn Trung – một họa sĩ tiên phong hiện đại của Việt Nam – cũng có mặt tại triển lãm này. Ông là một trong những học trò của trường Mỹ thuật Sài Gòn những năm đầu tiên. Họa sĩ tự do thể hiện mình ở hai chủ đề hội họa tượng hình và trừu tượng và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Ông là họa sĩ duy nhất còn sống trong số họa sĩ tham gia với tác phẩm Hoa, Quả và Ước mơ.

Flower, Fruit and Dream – Hoa, Quả và Ước mơ  (1999) | Nguyễn Trung

Vê phía Singapore, tại triển lãm lần này, ban tổ chức tuyển chọn các tác phẩm của Chen Wenxi, Zhong Sibin, Liu Kang và Zhang Liying,… đều là những đại diện xuất sắc của trường phái hội họa Nanyang.  Cách gọi này chỉ những nghệ sĩ Singapore vốn di cư từ Trung Quốc trong thập niên 1940 – 1950. Trước khi đến đảo quốc Sư Tử, tài năng của họ được mài giũa tại tại Thượng Hải, Hạ Môn, New York, Paris và những nơi khác trong những năm 1920 và 1930. Hầu hết, các họa sĩ có mối quan hệ rộng rãi với những người tiên phong trong nghệ thuật đương đại của Trung Quốc như Từ Bi Hồng và Lưu Hải Túc. Có lẽ vì thế, họ được hết sức chú ý nhờ có nhờ sức sáng tác mạnh mẽ, để lại nhiều dấu ấn trong hội họa Singapore nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Trong số đó, Balinese Ladies (Cô gái Bali) của Chen Wen Hsi và Hai cô gái Bali của Cheong Soo Pieng có mặt tại triển lãm đều là những kiệt tác hiếm có.

Balinese Ladies (Cô gái Bali) (1950s) | Chen Wen Hsi

Balinese Girls – Hai cô gái Bali  (1957) | Cheong Soo Pieng

 

Phòng tranh chọn tác phẩm đến từ Singapore và Việt Nam nhằm khẳng định sức sống nghệ thuật mạnh mẽ của các nước Đông Nam Á. Hiện nay, Singapore phát triển kinh tế không ngừng, chất lượng cuộc sống con người cũng tăng cao, tạo ra nhu cầu mạnh mẽ đối với nghệ thuật. Còn Việt Nam, có sự giao thoa của văn hóa Pháp – Trung Quốc và cộng hưởng với chất dân tộc để hình thành một di sản nghệ thuật sâu sắc. Nhờ đó, trong 5 năm gần đây, thị trường nghệ thuật Việt Nam hoạt động rất rực rỡ, các tên tuổi lớn thường xuyên tại các cuộc đấu giá lớn ở Hồng Kông, Paris và New York.

Phòng trưng bày LGDR & Wei là một phòng trưng bày chuyên nghiệp quốc tế có trụ sở tại New York, London, Paris và HongKong. Bà Karin G.Oen – tiến sĩ về Lý thuyết và Phê bình Nghệ thuật của Học viện Công nghệ Massachusetts – phụ trách triển lãm. Bà có hơn 20 năm kinh nghiệm giám tuyển tại Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á San Francisco, Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á Dallas,…

Giỏ hàng

No products in the cart.