Trong hơn chín thập kỷ của cuộc đời, nghệ sĩ Yayoi Kusama vươn lên từ người con của vùng nông thôn Nhật Bản đến một trong những tên tuổi nghệ thuật đương đại nổi tiếng nhất. Bà thể hiện sự độc đáo, liên tục sáng tạo và thành công tạo ra một thế giới riêng theo góc nhìn của mình. Nghệ sĩ đã tổ chức nhiều buổi triển lãm sắp đặt, tranh trên khắp châu lục và còn hợp tác với nhà mốt thời trang cao cấp – đem tầm nhìn nghệ thuật của bà lan rộng đến nhiều đối tượng hơn. Hiện tại, nhắc đến Yayoi Kusama, ta nhớ ngay đến hai từ: chấm bi – polka dots. Đơn cử là chấm bi đen trên bí đỏ vàng khổng lồ, chấm bi trắng trên chiếc đầm đỏ hay gần đây là những chấm đủ sắc màu trên chiếc túi LV xa xỉ.
Mặt tiền của trung tâm thương mại chuyên bán hàng xa xỉ Harrods (London, Anh) được trang trí với họa tiết chấm bi nổi tiếng của Yayoi Kusama trong dịp hợp tác với Louis Vuitton năm 2023.
Từ lúc 10 tuổi cho đến bây giờ đã hơn 90 tuổi, Yayoi Kusama không ngừng sáng tạo. Mỗi ngày bà dành hết sức lực, trải qua không ít vấp ngã để đạt đến sự sáng tạo nghệ thuật như bà mong muốn. Nữ nghệ sĩ cũng luôn tiếp cận nghệ thuật với sự kinh ngạc, tò mò. Như bà nói: “Tôi đấu tranh để tìm kiếm tình yêu và phá vỡ những bí ẩn của cuộc sống”. (I fight to find love and a mystery of human life).
Yayoi Kusama tại triển lãm sắp đặt Infinity Mirror Room – Phalli’s Field năm 1965 của bà.
Cuối những năm 1950, bà đến với New York sầm uất. Dù việc hòa nhập vào một nền văn hóa mới lạ là không dễ dàng, bà có một thái độ quyết liệt, thậm chí đến mức điên rồ: “Tôi sẽ chứng minh bản thân với cả thế giới, bắt đầu với một chấm bi vỏn vẹn”.( I would stand up to them all with a single polka dot). Năm 1959, nghệ sĩ đã có những triển lãm đầu tiên. Sau đó, bà tiếp xúc, truyền cảm hứng các nghệ sĩ như Donald Judd, Andy Warhol, Joseph Cornell. Tác phẩm của Kusama đóng góp không nhỏ trong trường phái Pop Art hay phong cách tối giản. Bà cũng là một trong những nghệ sĩ thử nghiệm thành công với nghệ thuật trình diễn.
Những chấm bi là đại diện cho tâm hồn xao động, nhạy cảm của một nữ nghệ sĩ Nhật Bản. Yayoi Kusama kể khi còn bé, bà có một trải nghiệm ảo giác kỳ lạ. Khi đó, Kusama thấy mình ở trên một cánh đồng hoa biết nói. Những bông hoa xếp chồng lên nhau giống như những chấm kéo dài hết tầm nhìn và bà cảm thấy như thể mình đang biến mất. Bà gọi đó là “sự tự diệt” (self -obliteration) vào cánh đồng của những chấm vô tận này. Từ đó, trải nghiệm lạ kỳ này đã ảnh hưởng đến hầu hết các tác phẩm và quan niệm làm nghệ thuật của bà.
Triển lãm tương tác Obliteration Room năm 2012.
Bằng cách thêm dấu chấm vào các bức tranh, đồ vật và quần áo của mình, bà làm cho chúng và chính bản thân hòa vào, trở thành một phần của vũ trụ rộng lớn hơn. Nghệ sĩ họa nên một triết lý rất riêng: tự diệt (self -obliteration). “Tôi cảm thấy như thể mình đã bắt đầu tự hủy diệt, quay cuồng trong sự vô tận của thời gian và sự tuyệt đối của không gian, rồi bị thu nhỏ lại thành hư vô” – Yayoi Kusama từng chia sẻ. Đối với bà, Trái Đất của chúng ta chỉ là một chấm bi giữa hàng triệu ngôi sao trong vũ trụ và chấm bi là một cách để đi đến vô tận. Khi thanh tẩy thiên nhiên và bản thể với những chấm bi, chúng ta dần trở thành một phần của ngoại cảnh. Lúc nhìn vào vũ trụ bao la, cũng là lúc ta nhìn lại chính mình, hiểu rõ giá trị tồn tại của bản thân. Có lẽ, chính sự “không tỉnh táo” của Kasama mới đánh thức sự tỉnh táo trong mỗi người.
Yayoi Kusama luôn trong hành trình tìm kiếm chân lý của nghệ thuật đầy tham vọng và đã chiến đấu dữ dội cả đời để đạt được mục đích của mình với tư cách là một con người. “Ngay cả sau khi tôi rời khỏi thế giớ, tôi muốn kể cho hậu thế về con đường nghệ thuật của mình. Tôi muốn những người trẻ tuổi hơn, hoặc tất cả mọi người, nói về sự nhiệt tình của tôi trong việc vươn tới vũ trụ và nghệ thuật của tôi là tài sản cuộc đời.Tôi muốn tiếp tục sáng tạo nghệ thuật cho đến ngày tôi mất đi”, nghệ sĩ bộc bạch.
Theo Tate