27 September, 2022

Biểu tượng ẩn sau những đóa hoa của Georgia O’Keeffe

Chính O’Keeffe cũng thường bình luận, màu sắc và hình thể của những đóa hoa có tầm quan trọng hơn cả chính vật thể, gợi ý rằng bà đã hứng thú vào các hình thái của tự nhiên và cách thức nắm bắt trọn vẹn vẻ đẹp đó.

Một số nhà phê bình nữ quyền ca ngợi các tác phẩm của O’Keeffe đã đi trước thời đại trong việc biểu đạt chủ đề nữ quyền. Thật vậy, xuyên suốt quá trình hoạt động nghệ thuật của mình, giới tính và sự khác biệt của O’Keeffe luôn được nhắc đến trong giới nghệ thuật bấy giờ được thống lĩnh bởi các nghệ sĩ nam.

Bức “Hibicus with Plumeria” (1939), Georgia O’Keeffe. Được sự cho phép của Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Smithsonian, © 2018 Hiệp hội Quyền nghệ sĩ (ARS)/ Bảo tàng Georgia O’Keeffe, New York.

Georgia O’Keeffe (1887-1986) là một họa sĩ người Mỹ đến từ bang Wisconsin, được xem là “Người Mẹ của Chủ nghĩa Hiện đại ở Mỹ” với các bức họa mô tả những đóa hoa nở rộ, cảnh quan thiên nhiên và những tòa nhà chọc trời.

O’Keeffe theo học nghệ thuật ở cả thành phố Chicago và New York trước khi tiếp nhận công việc thương mại và các vị trí giảng dạy để kiếm sống. Công việc đưa bà đi khắp đất Mỹ và sống ở nhiều thành phố khác nhau, tham gia các khóa học nghệ thuật vào những tháng hè và tìm ra lối biểu đạt nghệ thuật cho riêng mình. Vào khoảng năm 1912, khi đang theo học tại Đại học Virginia, bà biết đến các tác phẩm của Arthur Wesley Dow với phong cách tập trung nắm bắt bản sắc và cảm quan của sự vật, hơn là sao chép hình ảnh thực tế của chúng. Chính tư tưởng này đã ảnh hưởng sâu sắc đến tác phẩm của O’Keeffe khi bà bắt đầu thử nghiệm với nghệ thuật trừu tượng nhằm nắm bắt thế giới cảm quan qua hình ảnh thị giác.

Georgia O’Keeffe, hands 1918, được chụp bởi Alfred Stieglitz

Năm 1916, tác phẩm của O’Keeffe đã tạo ấn tượng sâu sắc đến Alfred Stieglitz, một nhà môi giới nghệ thuật tại thành phố New York. Ông nhận định, tác phẩm của O’Keeffe đã mang đến “sự tinh khiết, cao quý với tính nguyên bản hiếm thấy” vào phòng tranh của mình.

Vào năm 1917, phòng tranh của Stieglitz tổ chức triển lãm các tác phẩm của O’Keeffe. Năm 1918, O’Keeffe chuyển tới New York và bắt đầu kiếm sống bằng nghệ thuật. Tại đây, bà được giới thiệu đến một số nghệ sĩ tiên phong của thời đại theo chủ nghĩa hiện đại. Bà bắt đầu tập trung vào việc sáng tác những hình ảnh giản thể của thế giới tự nhiên. Những hình ảnh này biểu lộ nhiều điều về những thứ thiếu hụt hay vắng mặt, cũng như cách chúng biểu lộ những gì đã được O’Keeffe chắt lọc và mô tả. Tác phẩm của O’Keeffe thể hiện rõ sự ảnh hưởng từ những bức hình chụp cận cảnh qua lăng kính máy ảnh, với khả năng cắt xén để kéo sự chú ý về phần trọng tâm của tác phẩm.

Bà kết hôn với Stieglitz vào năm 1924, cùng vào năm mà ông ly hôn vợ. Tuy nhiên, mối quan hệ này không phải lúc nào cũng hạnh phúc. Stieglitz ngoại tình với Dorothy Norman vào năm 1928, O’Keeffe đã phải nhập viện điều trị trầm cảm vào cùng khoảng thời gian này. Năm tiếp đó, bà dành mùa hè ở New Mexico, phong cảnh nơi đây đã khơi gợi trong bà nguồn cảm hứng dạt dào. Vào năm 1933, O’Keeffe nhập viện do suy nhược thần kinh. Sau khi xuất viện, bà dành phần lớn thời gian sống trong căn nhà thuộc vùng đất Ghost Ranch ở New Mexico và đã mời bạn bè tới thăm mình tại đây. Vào năm 1945, bà mua và cải tiến một vùng Hacienda gần đó.

Bức “Light of Iris” (1924), một trong những tác phẩm được Georgia O’Keeffe sáng tác trong khoảng gần hai thế kỷ.

Stieglitz qua đời vì chứng nghẽn mạch máu não vào năm 1946 và O’Keeffe phải trở lại New York để giải quyết vấn đề gia sản, trước khi vĩnh viễn trở về lưu trú ở New Mexico.

Trong suốt và sau sinh thời của nghệ sĩ, tác phẩm nghệ thuật của O’Keeffe thu hút nhiều thành công thương mại. Vào năm 2014, tác phẩm “Jimsyn Weed” được bán trong buổi đấu giá với giá 44,405,000 Đô la, phá vỡ mọi kỷ lục trước đó của các tác phẩm do nghệ sĩ nữ sáng tác. Bảo tàng Geogria O’Keeffe được thành lập tại Santa Fe vào năm 1997, 11 năm sau cái chết của nghệ sĩ.

Nhiều tác phẩm của O’Keeffee mô tả hình ảnh của những đóa hoa. Trong suốt sự nghiệp, bà đã sáng tác khoảng 200 xoay quanh chủ đề này. Trong chuỗi tác phẩm Red Canna của O’Keeffe, bà tập trung mô tả phần bên trong những đóa hoa nở rộ. Nhiều người phỏng đoán đây là sự phóng chiếu đến tính dục và bộ phận sinh dục nữ, một ý tưởng dường như được nhen nhóm từ những bức hình công khai gây tranh cãi do chồng của O’Keeffe chụp. Sau đó là những ý kiến cho rằng O’Keeffe là một nghệ sĩ thích thể hiện công khai tính dục của mình, bà đã phủ nhận và đồng thời khẳng định, các tác phẩm của bà không nhằm đề cập đến bản sắc tình dục của phụ nữ. Điểm đáng chú ý là, phần lớn các nhà phê bình tiếp nhận và giải thích khuynh hướng tính dục trong các tác phẩm của bà đều là nam giới.

Bức “Jimson Weed/White Flower No.1” (1932), Georgia O’Keeffe. Được bán đấu giá với giá 44,405,000 Đô la tại Sàn đấu giá Nghệ thuật Mỹ Sotheby vào ngày 20 tháng 11 năm 2014. (Sotheby’s New York)

Tuy nhiên, nhiều tác phẩm của O’Keeffe lại tập trung chủ yếu mô tả phần bên trong của các loài cây và hoa, bao gồm phần nhị hoa và phần sinh sản. Chính điểm này đã khiến nhiều nhà phê bình nghệ thuật hiện đại tranh luận, rằng bất chấp sự phản đối của nghệ sĩ, dường như trong chính sáng tác của bà vẫn có sự ám chỉ đến tính dục và sự tái sinh.

Chính O’Keeffe cũng thường bình luận, màu sắc và hình thể của những đóa hoa có tầm quan trọng hơn cả chính vật thể, gợi ý rằng bà đã hứng thú vào các hình thái của tự nhiên và cách thức nắm bắt trọn vẹn vẻ đẹp đó.

Một số nhà phê bình nữ quyền ca ngợi các tác phẩm của O’Keeffe đã đi trước thời đại trong việc biểu đạt chủ đề nữ quyền. Thật vậy, xuyên suốt quá trình hoạt động nghệ thuật của mình, giới tính và sự khác biệt của O’Keeffe luôn được nhắc đến trong giới nghệ thuật bấy giờ được thống lĩnh bởi các nghệ sĩ nam.

Hoa thường được xem là một biểu trưng cho sự mềm mại và nữ tính, của tính dục và tình yêu. Qua cách biểu đạt những bông hoa nằm trên tấm voan khổ lớn, O’Keeffe dường như nắm trọn được điều gì đó về vẻ đẹp của thiên nhiên và sự vô cùng tận của nó.

Thật khó để nói chính xác O’Keeffe đã định dùng những bức họa hoa của mình tượng trưng cho điều gì. Hoa là hình ảnh mang tính biểu tượng nhất trong các tác phẩm của bà và là chủ đề sẽ được nhớ đến nhiều nhất khi nói về nghệ thuật của O’Keeffe, nhưng liệu bà có định gợi lên những hình ảnh biểu tượng về tình dục hay không là một câu hỏi không lời giải.

Theo ArtDependence

Giỏ hàng

No products in the cart.