15 December, 2021

BỘ SƯU TẬP ÁO DÀI “THIẾU NỮ TRONG TRANH” – MANG NÉT DUYÊN XƯA ĐẾN GẦN VỚI CUỘC SỐNG ĐƯƠNG ĐẠI

Mang bên mình sứ mệnh kết nối vẻ đẹp quá khứ với nhịp sống của xã hội hiện đại, Then mong muốn khắc họa nét duyên, nét khoan thai của người phụ nữ Việt Nam xưa trong Bộ sưu tập Áo dài “Thiếu nữ trong tranh”. Như tìm được nguồn cảm hứng qua những tác phẩm Thiếu nữ của họa sĩ Mai Trung Thứ, nghệ sĩ Lê Thúy – người sáng lập thương hiệu Thời trang Bền vững Then Design – bộc bạch tiếng nói của lòng mình trong từng thiết kế áo dài truyền thống. 

 

 

Sự gặp gỡ và kết nối giữa hai quan niệm nghệ thuật Đông – Tây từ cuối thế kỉ XIX làm đa dạng góc nhìn của các họa sĩ, từ đó dần định hình phong cách riêng và tiếng nói riêng của mỹ thuật Việt Nam. Sự ra đời của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương mang đến làn gió mới, thu hút các họa sĩ khai phá con đường mới của nghệ thuật – nơi những chuẩn mực mỹ học duy lí của châu Âu không còn ràng buộc những tác phẩm. Kỹ thuật và bút pháp của các họa sĩ tiên phong phần nào chịu ảnh hưởng thẩm mỹ của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, song họ thể hiện sắc thái đặc trưng cá nhân qua sự tinh tế ở thủ pháp và sử dụng hình thể, màu sắc. Thành công lớn của các họa sĩ Việt Nam cận đại là tìm được những chất liệu mới trong sáng tác nghệ thuật, điển hình là màu dầu, sơn ta, sơn mài,…Bên cạnh đó, sự xuất hiện tranh vẽ trên lụa đã làm thay đổi bản những suy nghĩ, quan niệm về khám phá chất liệu mang đậm sức sáng tạo nghệ thuật này. Từ thập kỉ đầu của thế kỉ XX, ngành dệt thủ công phát triển thông qua nguồn cung cấp tơ sợi của Pháp đến hàng vạn khung dệt ở Nam Định. Làng La Khê (Hà Đông) – nơi dệt tơ lụa nổi tiếng ở Bắc Kỳ – đạt đến con số 500 – 600 khung dệt với khoảng 1000 – 1200 thợ. Từ đầu những năm 30 của thế kỉ XX, các họa sĩ đã có khả năng chinh phục chất lụa mềm mại, tạo được một vẻ đẹp hài hòa bằng sự kết hợp màu sắc tinh tế và phương pháp diễn hình mà khối chỉ là gợi tả. 

 

 

Mai Trung Thứ được coi là họa sĩ góp phần quan trọng tạo nên sự phong phú về màu sắc của chất liệu tranh lụa Việt Nam đương thời, đặt vào mảnh lụa những hòa sắc lung linh huyền ảo của chủ nghĩa Ấn tượng nhưng lại tránh sa vào thái độ duy lý thẩm mỹ của chủ nghĩa này. Nói đến những tác phẩm tranh lụa về đề tài phụ nữ, không thể không kể đến tài nghệ xếp vào bậc thầy của họa sĩ Mai Trung Thứ. Mai Trung Thứ sinh năm 1906, quê ở làng Do Nha (Ro Nha), huyện An Dương, tỉnh Kiến An (cũ) nay là xã Tân Tiến, huyện An Dương, Hải Phòng trong một gia đình quan lại. Năm 1925, tốt nghiệp khóa I Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, họa sĩ Mai Trung Thứ mang đến đóng góp to lớn cho nền hội họa Việt Nam với những kiệt tác mang đậm màu sắc văn hóa Á Đông. Trong quá trình sáng tác, ông phát triển một phong cách hội họa mang đậm tính cá nhân, trong đó ông chinh phục chất lụa mềm mại và khai thác triệt để các mảng màu đậm để tạo hiệu ứng xác định vùng sáng – tối cho những tác phẩm của mình. Cũng chính vì thế, những bức họa của ông như gợi ra một khoảng không gian hoài niệm về quá khứ. Khám phá và trải nghiệm nhiều chất liệu sáng tác khác nhau, tên tuổi Mai Trung Thứ dường như được biết đến nhiều nhất qua những tác phẩm tranh lụa kinh điển. 

 

 

Phần lớn những bức tranh lụa của ông mô tả con người và phong cảnh Việt Nam – chủ yếu là phụ nữ – đang thả dáng với những cử chỉ nhàn nhã. Nét mặt thanh thoát, tư thế gợi mở và sự tương tác sinh động của chủ thể tạo nên một cái nhìn lãng mạn và thơ mộng về cuộc sống đời thường của người Việt. Người phụ nữ Việt Nam, với các họa sĩ, là một đề tài vô tận. Khi bóng hình người phụ nữ lên tranh, vẻ đẹp ấy đôi khi là ước lệ. Có họa sĩ làm say lòng người xem bởi dáng vẻ thướt tha thanh thoát của người đẹp, họa sĩ khác lại thành công ở đôi mắt. Mai Trung Thứ đã tạo ra bản sắc riêng của mình, khác hẳn với Tô Ngọc Vân và Trần Bình Lộc – những họa sĩ rất thích miêu tả phụ nữ thanh lịch Hà Nội những năm 1930. Bức tranh vẽ thiếu nữ trong mắt Mai Trung Thứ thể hiện vẻ đẹp của sự nữ tính, duyên dáng và đoan trang với dáng người mảnh mai và thanh tao, đặc biệt là đôi mắt. Đôi mắt trong tranh của ông được ví như cửa sổ của một tâm hồn đa sầu đa cảm, đem đến sự quyến luyến đượm buồn. Dưới ảnh hưởng của trường phái Tân cổ điển, Mai Trung Thứ đã dành hết tâm sức để tạo nên những bức tranh thiếu nữ với những nét vẽ không phức tạp, không mang tính tôn giáo mà thay vào đó, thể hiện một tâm hồn nhẹ nhàng, lãng mạn và mong manh. Mai Trung Thứ là một trong nhóm tứ kiệt trời Âu của nền hội họa Việt Nam Phổ – Thứ – Lựu – Đàm (Lê Phổ – Mai Trung Thứ – Vũ Cao Đàm – Lê Thị Lựu), mang bóng hình của người thiếu nữ Việt kết hợp nét chấm phá cải biên của kỹ thuật vẽ hội họa hiện đại phương Tây, ông để lại bao thương nhớ, xúc cảm khó tả qua từng tác phẩm tranh thiếu nữ của mình. 

 

 

Gợi nhớ bối cảnh nên thơ, thi vị của cuộc sống Việt giữa thế kỉ XX, dáng dấp mĩ miều, trang nhã của người phụ nữ xưa dường như được tìm thấy trong tà áo dài của cuộc sống đương  đại. Nghệ sĩ Lê Thúy gửi gắm sự trân trọng nét duyên trong từng cử chỉ, dáng ngồi đọc sách, uống trà nơi những tà áo dài thướt tha. Tỉ mỉ từ khâu lựa chọn chất liệu, nguyên phụ liệu nhuộm vải, đến họa tiết vẽ tay, Then đem đến người mặc nguyên vẹn nét duyên của quá khứ và sản phẩm tinh hoa thân thiện với môi trường hiện đại. Ủng hộ và tìm cách tôn vinh những người thợ thủ công, trân trọng và giữ gìn giá trị xanh là điều Then luôn theo đuổi. Là một trong số ít những thương hiệu thời trang bền vững tại Việt Nam, Then hoàn thành sứ mệnh đem nét đẹp nghệ thuật đến người mặc và vì người mặc. 

Bóng hình của nét duyên xưa giờ đây đã được mở “Then” cửa để trở lại và tô điểm nhịp sống hiện thời, khoác tà áo dài lên người, bỗng chốc tìm về nét thơ vị của quá khứ nơi đời sống hiện tại. 

 

 

 

Vy xin trân trọng tài nghệ của nghệ sĩ Lê Thúy và thông điệp về chân-thiện-mỹ mà Bộ sưu tập Áo dài “Thiếu nữ trong tranh” muốn truyền tải. Vy hân hạnh là đại diện độc quyền của Then Design tại phía Nam để đồng hành trên con đường đi tìm cái đẹp đầy ý nghĩa nhân văn.

Xem thêm sản phẩm của Then tại đây.

Giỏ hàng

No products in the cart.