6 October, 2021

HỌA SĨ LÊ THÚY – TRỞ VỀ VỚI THIÊN NHIÊN

Con chị mấy tuổi mà đã biết nói một câu “người lớn” như thế rồi?
Bạn lớn thì 3 tuổi rưỡi, còn bạn nhỏ được gần 2 tuổi. Dù chắc hai bạn chỉ bắt chước ba mẹ thôi nhưng tôi cũng rất vui khi nghe con nói câu này. Trẻ con mà, chúng ở nhà cả năm rồi nên nhìn gì cũng thấy lạ lẫm. Các con tôi còn sinh ra đúng mùa dịch, nhất là bạn bé sinh vào lúc giãn cách xã hội khắp cả nước vào năm ngoái. Sau đó cả nhà tôi chuyển vào Hội An. Đây cũng là lần đi chơi xa đầu tiên của hai bạn ấy.

Chắc hẳn mùa này Cù Lao Chàm đẹp lắm, nhất là khi ít khách du lịch…
Ngoài này tôi còn có bạn là một họa sĩ vẽ màu nước, bạn ấy vẽ rất đẹp. Hôm nay chúng tôi đi thăm thú loanh quanh với bạn và ngồi xem các bà cụ đan võng từ thân cây ngô đồng. Thiên nhiên ở Cù Lao Chàm rất hoang sơ, từ cây cối, san hô, ngay đến cả bầu trời cũng khác. Sáng đến tối là ba sắc độ màu trời khác nhau, từ xanh phớt vàng, xanh ngắt đến hoàng hôn thẫm màu, tất cả những điều đó đem đến cho tôi những trải nghiệm rất vui vẻ. Ôi, thêm nữa là đồ ăn mẹ bạn nấu rất ngon nên cả nhà tôi ai cũng mê. Tôi còn chuẩn bị sẵn một ít rau rừng và mắm ruốc để mang về sau chuyến đi này.

Chuyển từ Hà Nội vào Hội An có phải vì chị muốn gần hơn với thiên nhiên?
Tôi sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa, từ bé đã hòa mình vào thiên nhiên. Thuở nhỏ tôi hay theo ba mẹ ra đồng, khi họ làm việc thì tôi đi chơi với cây cỏ. Kí ức về một thời thơ ấu chốn thôn quê để lại cho tôi cảm giác rất yên bình. Sau này, vì sự nghiệp học hành và mong muốn khẳng định bản thân, những sự khẳng định cứ nối tiếp nhau, đến một lúc tôi cảm thấy mình cách xa thiên nhiên quá. Khi còn ở Hà Nội, thi thoảng tôi vẫn than: “Lâu rồi không được về nhà nhỉ”, hay “Lâu quá không được đi đâu”, với kiểu mong muốn lắm. Nhưng bạn biết đấy, chỉ có bản thân mình là dịch chuyển, còn thiên nhiên thì vẫn ở đấy thôi, sao mình cứ phải mong muốn, ao ước như thể xa xôi lắm. Vậy là tôi chuyển về Hội An sống, và một năm qua là một năm rất vui vẻ, hài hòa.

Hội An là thành phố nhỏ, ít dân cư, có phố cổ, có cánh đồng lúa thơm ngát. Thiên nhiên, cây cối, sóng, gió, biển, nắng… tất cả đều giống y như cuộc sống ngày tôi còn bé. Tôi như được sống lại một phần tuổi thơ, và tôi muốn con cái mình cũng có được những trải nghiệm giống mẹ. Đó là một trong những điều tốt đẹp mà tôi muốn làm cho con.

Chị có mất nhiều công thuyết phục chồng mình không?
Anh ấy thích mà, và còn rất mong muốn nữa là khác. Chồng tôi làm du lịch, khi chưa có con, hai vợ chồng tôi thỉnh thoảng lại đi đây đó vài ngày, trải nghiệm những điều thú vị khác với cái cố hữu trong cuộc sống đã quen và tự khám phá bản thân trên những vùng đất mới. Nhưng chắc vì bản tính người Việt (hay là do tính tôi nó thế nhỉ) nên chỉ đi được vài ngày là lại mau mau chóng chóng muốn về.

Quay trở lại câu chuyện này. Hội An là một nơi chúng tôi từng ghé thăm. Cách đây vài năm, chồng tôi từng ngỏ lời về việc chuyển đến nơi này sống, nhưng vì công việc, chăm sóc con cái (lúc ấy hai con còn nhỏ nên tôi chưa thể quyết định ngay) mà chúng tôi tạm gác lại.

Cho đến hiện tại, khi ngồi giữa Cù Lao Chàm xinh đẹp, còn điều gì chị chưa quen với cuộc sống mới không?
Tuy có hơi nhớ vài người bạn mà tôi yêu mến, trân trọng, nhớ cảm giác được đi xem triển lãm hay gặp gỡ đồng nghiệp nhưng hiện tại tôi đang có một cuộc sống rất vui vẻ. Con tôi có thể chạy nhảy bằng chân trần ngoài vườn. Công việc họa sĩ của tôi cũng không cần nhiều tiện nghi, lại được ở trong không gian yên tĩnh, cây cối chan hòa nên tôi rất mừng vì quyết định của mình.

 

Họa sĩ Lê Thúy và con trai

Một ngày bình yên của chị sẽ diễn ra như thế nào?
Tôi thường dậy tập yoga lúc 6 giờ sáng, làm đồ ăn sáng cho cả nhà. Sau khi làm một số công việc nhà, hai vợ chồng tôi ngồi uống cà phê một chút ở dưới vườn. 9 giờ sáng, tôi vẽ tranh, nhuộm vải còn hai bạn nhỏ chơi cùng bà ngoại. Buổi trưa, tôi có khoảng 3 tiếng đồng hồ để chuẩn bị đồ ăn và nghỉ ngơi. Tôi có thể làm việc thêm sau đó và 4 giờ chiều cả nhà sẽ đi biển hoặc đi dạo ngoài đồng. 7 giờ tối, sau khi kết thúc bữa ăn, cả nhà chơi cùng nhau cho đến 8 rưỡi tối, hai bạn nhỏ đều đi ngủ và tôi có khoảng thời gian ngắn cho bản thân. Cứ thế kết thúc một ngày và lặp lại.

Nghe êm đềm như chưa hề có bóng dáng của dịch bệnh, chị nhỉ?
Cuộc sống của tôi không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhiều lắm, vì dù có dịch hay không thì tôi vẫn vẽ tranh, nhuộm vải. Thay vì mở triển lãm trưng bày, các tác phẩm của tôi vẫn được giới thiệu với người xem qua hình thức trực tuyến. Có chăng là tạm thời không còn những chuyến du lịch trải nghiệm. Bù lại, tôi được sống và cảm nhận trọn vẹn hơn nơi mình đang sống.

Chị hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi những điều tiêu cực đang bủa vây ngoài kia?
Ôi có chứ. Những ngọn sóng đấu tranh trong tôi thường được diễn ra từ trong suy nghĩ, từ mong cầu một cuộc sống tốt đẹp và thực tiễn đang diễn ra hàng ngày. Có đôi lúc những điều này làm tôi khó chịu, bực mình. Nhiều khi đỉnh điểm, làn sóng ấy xâm chiếm hết mọi suy nghĩ, tôi không thể dành cho mình một chỗ trống, không thể thực hiện những suy tưởng, sáng tạo của bản thân.

Những lúc ấy tôi thường tạm dừng công việc, gác suy nghĩ tiêu cực qua một bên để dành thời gian chơi với con, nấu nướng, đi dạo biển… Tôi tận hưởng một ngày trọn vẹn không có công việc để làm điều mình thích và ngủ thật sâu. Sáng hôm sau, khi bắt đầu một ngày mới, luôn là cảm giác mới mẻ và tin rằng mọi việc đều sẽ có cách giải quyết.

Màu vải chị nhuộm mang đến cái cảm giác mơ màng, đằm thắm và cũng thật tĩnh lặng. Chị bắt đầu nhuộm vải từ khi nào?
Ngày nhỏ, tôi hay thấy mẹ dùng hạt điều cho vào xôi, thịt xốt vang, rồi nấu canh cá… Thức ăn cho điều vào lên màu đỏ cam rất đẹp mà mùi lại còn thơm nữa. Nên hồi Tết vừa rồi, tôi bắt đầu nhuộm vải, thử đủ loại màu, nào là màu cánh kiến, bùn đất, hạt cau, rồi lại hạt điều… Mà nhuộm hạt điều cũng lạ, thử đi thử lại mới được cái màu mình ưng. Trông chất màu đỏ bám trên hạt vậy thôi, khi nấu lên nhuộm với lụa vài chục nước cũng chỉ ra được các tông màu từ vàng cam hơi nhạt đến vàng cam đậm. Nhưng vải nhuộm điều vẫn cứ thơm dịu nhẹ mùi của hạt.

Bạn bé nhà tôi mặc lên thích lắm, miệng ngọng nghịu nói áo màu “guýt” (quýt). Thật vui khi thấy con mặc lên chiếc áo mà mình nhuộm bằng tất cả tình yêu thương.

Có cảm hứng nào len lỏi trong quá trình nhuộm vải của chị không?
Cảm hứng thuần Việt đến từ nguyên liệu địa phương như hạt cau, lá bàng, bùn đất… Mỗi nguyên liệu lại có nhiều cách xử lý khác nhau, lúc ngâm cồn, khi phơi khô, ủ lạnh hay nấu chín… tùy từng bản chất hóa học của chúng. Quá trình nhuộm rất kì công, tôi nhuộm đi nhuộm lại rất nhiều lần, màu nào ít thì 12 lần, nhiều khoảng 25-30 lần. Vải nhuộm tôi dùng các chất liệu có nguồn gốc tự nhiên, dễ ăn màu như lụa tơ tằm, tơ sen, đũi, vải sợi lanh, sợi bông… Quá trình nhuộm và quan sát cách hút màu, lên màu của lụa đã cho tôi rất nhiều kinh nghiệm có thể ứng dụng khi vẽ.

 

Áo Lụa organza Bảo Lộc nhuộm củ nâu

Gam màu nào từng làm khó chị nhất?Là gam màu đen. Để nhuộm được màu này, tôi phải nhuộm lụa với gam màu nâu từ hạt cau trước. Vải nhuộm hạt cau qua 15 lần thì được màu nâu sáng, sau đó nhuộm với cà phê 5 lần nữa để được màu nâu đậm, rồi ngâm lụa dưới bùn cho ra màu đen tuyền sâu thẳm. Đây là cách mà người dân trên đảo Amami Oshima (Nhật Bản) đã tạo ra màu đen nức tiếng từ cây sharinbai và bùn. Nhìn ngắm quá trình chuyển hóa các sắc độ từ nâu qua đen tuyền làm tôi có một cảm giác vui sướng khó tả. Khi đã hiểu hơn về cách nhuộm, sau này khi làm việc, tôi đều lấy cảm hứng màu sắc theo mùa hoặc sự kiện đặc biệt.

Ví dụ như…?
Như Tết thì tông đỏ, hè thì tông cam. Hay gần đây tôi lại thích ngắm hoàng hôn buổi chiều hè. Những sắc vàng, đỏ, nhuốm hết thảy mọi cảnh vật xung quanh. Một cảnh sắc tráng lệ chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, trước khi mặt trời tắt những tia nắng cuối cùng. Tôi đang mường tượng trong đầu nếu mình mặc một chiếc áo nhuốm đầy cảnh sắc của mùa hè và tận hưởng những giây phút huy hoàng của thiên nhiên thì thật tuyệt. Vậy nên tôi đang tìm hiểu để nhuộm được sắc vàng ruộm ấy.

Đâu là bộ trang phục mà chị dành nhiều tình yêu nhất?
Là chiếc áo dài cưới mà tôi tự may cho mình bởi nó thể hiện đúng tinh thần của Then. Khi lên ý tưởng, tôi nghĩ ngay đến tơ organza Bảo Lộc, nó mềm mại, trong suốt lại rất dai nên không bị xô hay lệch thớ. Khác với các loại lụa khác thường cho cảm giác trơn, khó níu giữ, organza mang đến cảm giác bền chặt, quấn quýt khi chuyển động. Kết hợp cùng lớp trong là lụa Nha Xá, chiếc áo dài cưới của tôi được lấy cảm hứng từ áo tấc thời Nguyễn. Hồi đó tôi chưa biết nhiều về sự đẹp đẽ của lụa, nhưng khi đã biết về các công đoạn dệt nhuộm thì tôi hiểu để đổi lấy sự hoàn hảo này cần mất rất nhiều công sức, nên tôi càng trân trọng chiếc áo dài này hơn.

 

Áo dài cưới Thúy tự may từ tơ organza Bảo Lộc và lụa Nha Xá

 

Nghe chị kể về lụa như đang kể về một cô gái kiêu kỳ và khó nắm giữ?

Lụa và phụ nữ vừa đẹp vừa khó chiều (cười). Bảo quản những váy áo, tranh lụa là một việc rất kỳ công. Chất liệu lụa mềm mại lại được dệt từ những sợi tơ đan chặt từ rất nhiều kén tằm, cũng giống như tính cách của phụ nữ, mềm mỏng nhưng vẫn quyết liệt khi cần.

Những lúc bế tắc và cạn kiệt ý tưởng, chị thường tìm kiếm nguồn cảm hứng từ đâu?
Với tôi, cảm hứng có thể đến từ một bức ảnh, có khi là một mái chùa, cánh cửa ở Đại nội Huế, khi gió bão ùa đến trên mặt sông và thửa ruộng, những đóa sen tàn cuối mùa trong ao, thậm chí bộ xương khô của một con vật cũng gợi lên chuyện gì đã xảy ra ở những phút cuối cùng, những đóa hoa dại bên bờ ruộng, những lời thủ thỉ kể chuyện của các con… Mỗi thứ đều cho tôi cảm xúc để kể chuyện qua tranh hay thời trang.

Công đoạn chị thích nhất khi nhuộm là ngắm nhìn sự chuyển hóa của các gam màu, còn khi vẽ tranh lụa thì sao?
Có hai thời điểm, đầu tiên là khi phác họa một bức tranh, cảm giác như tôi đang tạo ra một thế giới của riêng mình.

Thứ hai là khi căng lụa lên khung tranh. Khi một nền lụa trắng toát, phẳng phiu được dựng lên tường, trong không gian yên tĩnh ấy, tôi cảm giác như được soi xét chính bản thân mình, và tưởng tượng về các tác phẩm kế tiếp.

 

Các bức tranh lụa của chị thường đặc tả tác động qua lại giữa không gian và con người, về sự sống, cái chết. Ở những chốn ấy, con người đang mắc kẹt giữa điều gì?
Họ đang mắc kẹt giữa nhịp sống quá nhanh của mình. Có hay chăng con người nên sống chậm hơn một chút, để quan sát sâu hơn những nhịp điệu bên trong cuộc sống. Nghĩ rộng ra, con người có thể bớt tiêu thụ năng lượng, bớt tàn phá, biết suy nghĩ bản thân muốn gì và cần gì. Chỉ dùng khi đủ và muốn khi cần, cũng đừng làm điều thừa thãi. Khi chúng ta đóng cửa lại, thiên nhiên lại tươi đẹp như vốn dĩ, khi đó suy nghĩ của con người cũng sẽ thay đổi theo hướng gần với thiên nhiên hơn. Đó cũng là suy nghĩ tôi gửi gắm trong các bức họa của mình.

Nội Dung & Hình Ảnh: Tạp Chí Đẹp

 

Giỏ hàng

No products in the cart.