27 October, 2022

Hội chợ nghệ thuật Frieze Seoul khai mạc với doanh số triệu đô, một thế hệ mới các nhà sưu tập, và sự xuất hiện của huyền thoại K-Pop

Sau đây là những tóm lược về ngày khai mạc hội chợ rất được mong đợi trong thị trường nghệ thuật châu Á.

Khách tham quan tại Frieze Seoul, 2022. Ảnh chụp bởi Lets Studio, dưới sự cho phép của Lets Studio và Frieze

2 giờ chiều tại Seoul, Frieze đã mở màn cho lần khai mạc đầu tiên tại thủ đô Hàn Quốc. Tuy vẫn mang nét của một hội chợ nghệ thuật điển hình với bộ nhận diện thương hiệu hài hòa, những chai rượu Ruinart được khui mở và các phiếu blue chip quen thuộc, Frieze Seoul vẫn có những điểm khác biệt nhất định. Trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đã tiến tới giai đoạn bình thường mới, khách tham dự hội chợ lần này vẫn còn đeo khẩu trang. Tiếp đó là một dàn khách VIP xếp hàng chỉnh chu trước cổng, không như đám đông chen chúc thường thấy ở Mỹ và châu Âu.

Song hành tổ chức bên trong trung tâm hội nghị CoEx là Hội chợ Nghệ thuật Quốc tế Hàn Quốc (KIAF) và Hội chợ Kiaf+ mới ra mắt dành cho nghệ thuật truyền thông. Hành lang hội nghị vô cùng náo nhiệt, đặc biệt khi RM, thủ lĩnh ban nhạc BTS cũng tham dự hội chợ. Trong khi những tin đồn về nguy cơ suy thoái kinh tế khiến nhiều người không mấy lạc quan về tình trạng thị trường, thì bộ phận các nhà sưu tập trẻ tuổi đang bắt đầu tăng ở châu Á — thế hệ MZ, kết hợp từ thế hệ Millennials và Thế hệ Z — dường như đang khao khát nghệ thuật hơn bao giờ hết.

Phần lớn khách tham quan là người Hàn Quốc, tuy nhiên vẫn có số ít nhà sưu tập quốc tế như nhà sưu tập Rajeeb Samdani đến từ Bangladesh, nhà thiết kế nội thất Yassmin Ghandehari, và công chúa Libyan Alia AI-Senussi. Giám tuyển Hans Ulrich Obrist, Daniel Birnbaum, và Naomi Beckwith cũng tham dự cùng các tổ chức bảo trợ nghệ thuật.

Doanh số bán hàng ban đầu từ 110 phòng trưng bày trải dài theo từng phân khúc giá: Hauser và Wirth bán tác phẩm của George Condo trị giá 2,8 triệu USD cho bảo tàng tư nhân ở Hàn Quốc, nhà môi giới nghệ thuật địa phương Jason Haam bán tác phẩm của Urs Fischer cho nhà sưu tập gốc Hàn với giá 1,2 triệu USD, và phòng trưng bày Dastan bán các tác phẩm của Ali Beheshti với giá từ 1,200 Euro đến 3,500 Euro.

Diễn viên Jung Woo-Sung tại Buổi công bố trước dành cho khách VIP của Frieze Seoul vào ngày 2/9/2022 tại Seoul, Hàn Quốc.
(Ảnh chụp bởi Justin Shin/GA/ARTNews qua Getty Images)

Bùng nổ nối tiếp bùng nổ

Seoul từng trải qua thời kỳ bùng nổ nghệ thuật vào đầu những năm 2000, nhưng đã bị kìm hãm do khủng hoảng tài chính vào năm 2008. Hiện nay, thành phố một lần nữa trải qua thời kỳ này khi một loạt các phòng trưng bày quốc tế — Pace, Gladstone, Perrotin, v.v. — được khánh thành tại thành phố. Trong tuần này, hai nhà đấu giá Christie’s và Phillips cũng đã tổ chức triển lãm tại Seoul.

Trong bối cảnh hội chợ Frieze đang diễn ra đã làm dấy lên câu hỏi, liệu Seoul có trở thành trung tâm thương mại nghệ thuật ở châu Á khi thành phố đối thủ của nó đang bị cản trở bởi các đợt lệnh phong tỏa gắt gao cùng với nguy cơ bong bóng bất động sản ở Trung Quốc đại lục, và cuộc đàn áp các quyền tự do dân chủ ở Hong Kong.

Sự háo hức dần hiện rõ. “Để tổ chức một hội chợ nghệ thuật và để một sự kiện như thế này có nghệ sĩ như Picasso, và các phòng trưng bày như Acquavella và Gagosian tham dự là một niềm tự hào của đất nước,” Haam nói với Artnet News. “Mọi người đều rất hào hứng và sẵn sàng để chi.” Tuy một số ý kiến cho rằng không cần so đo giữa Hong Kong và Seoul khi vẫn còn nhiều trung tâm khác ở châu Á, Haam nhận định rằng khả năng Seoul thay thế Hong Kong trở thành trung tâm thương mại nghệ thuật là “rất thuyết phục”

“Điều quan trọng rằng đất nước này có nhiều quyền tự do: quyền tự do thương mại, quyền tự do ngôn luận, và quyền tự do trưng bày” ông nói. “Đây là một quốc gia dân chủ, khi đến chủ tịch nước vẫn có thể bị khai trừ, và không có nhiều tội phạm. Tuy nhiên cũng có những vấn đề mà chúng ta cần giải quyết: rằng nơi đây không đẹp như New York hay Paris, và bảng chữ cái tượng hình khó để định vị vận chuyển hàng hóa, đồng thời cũng thiếu các dịch vụ quan trọng như công ty PR cho phòng trưng bày địa phương – nhưng đây là một cầu nối tự do cho nghệ thuật, và thích hợp để kinh doanh.”

Nhìn chung, các phòng trưng bày có vẻ hài lòng với những mối quan hệ mới được thiết lập – tuy vẫn còn rắc rối liên quan đến phí vận chuyển, thủ tục cấp thị thực cho đến hành lý thất lạc và khó để bắt taxi. Cũng có một số phản ứng tiêu cực từ các đại lý địa phương cho rằng hội chợ qui mô lớn đã cướp đi mối liên kết lâu năm với đối tác địa phương, cũng như cáo buộc về các đề nghị chào bán không tưởng hoặc bán phá giá hàng tồn kho từ các phòng trưng bày blue-chip lớn. Tuy nhiên, hội chợ Frieze vẫn được công nhận rằng đã mang đến tác động tích cực đến nền sinh thái doanh nghiệp địa phương.

Giám đốc hội chợ Pat Lee vô cùng hào hứng với sự xuất hiện của nhiều nhà sưu tập đến từ khu vực khác, như Nhật Bản, Singapore và Thái Lan. “Tôi rất vui vì các nhà sưu tập châu Á đã đến tham dự, vì đây không chỉ là một hội chợ nghệ thuật Hàn Quốc, mà còn là một hội chợ nghệ thuật châu Á.” Lee nói. “Và tôi rất ngạc nhiên với cách thành phố đã đón nhận sự kiện lần này, không chỉ trong giới nghệ sĩ và phòng trưng bày mà còn có các bảo tàng, không gian văn hóa, nhà thời trang và nhà hàng nữa.”

Khách tham quan đi ngang qua gian hàng của phòng trưng bày Pace tại Buổi công bố trước dành cho khách VIP của Frieze Seoul vào ngày 2/9/2022. (Hình ảnh chụp bởi Justin Shin/GA/ARTNews thông qua Getty Images)

Trong Hành lang Hội nghị

Sau khi RM dừng lại trước gian hàng của mình, nhà môi giới người Úc Thadddeus Ropac đã hết lòng khen ngợi thần tượng K-Pop về tầm hiểu biết của nghệ sĩ liên quan đến hoạt động của phòng trưng bày. Ông nhận định, “Sao K-pop có ảnh hưởng rất lớn và tôi nghĩ họ đã tạo ra sự khác biệt trong việc thu hút nhiều nhà sưu tập trẻ đến với nghệ thuật”

Ropac đã bán nhiều tác phẩm theo từng phân khúc giá bao gồm tác phẩm của Tom Sachs trị giá 300,000 USD và tác phẩm của Lee Bul trị giá 190,000 USD. Phòng trưng bày cũng đã bán phần lớn các tác phẩm trưng bày của Anselm Kiefer tại Seoul với giá trị lên đến 1,1 triệu USD. (Kiefer, nghệ sĩ có triển lãm sắp tới tại Buổi khai mạc Bảo tàng CNCity ở Seoul năm sau, đã cấm các nhà môi giới trưng bày tác phẩm của mình tại các hội chợ) Hầu hết các tác phẩm đều thuộc về các nhà sưu tập châu Á, theo thông tin của phòng trưng bày.

Các phòng trưng bày quốc tế không có các tiền đồn thường trực tại Seoul cũng nhấn mạnh mong muốn được bày bán và tiếp cận khán giả mới tại châu Á. “Chúng tôi không chỉ bán về Mỹ hay châu Âu mà còn muốn ưu tiên khán giả địa phương”, nhà môi giới Thụy Điển Gregor Staiger chia sẻ với Artnet News.

Đối với đại lý địa phương như Yoonsung Stephanie Cho từ phòng trưng bày Hakgojae tại gian hàng Masters, mục đích tham gia hội chợ còn nhằm tạo kết nối với các đồng nghiệp. “Một trong những mục tiêu trọng yếu của chúng tôi là được giao lưu với các nhà trưng bày khác trên thế giới” Thật vậy, khi Seoul dần trở nên thu hút trong giới nghệ sĩ, các phòng trưng bày địa phương có thể tận dụng cơ hội này để làm việc với các nghệ sĩ có tiếng; Haam, người mở phòng trưng bày chỉ gần năm năm trước, đã bày bán tác phẩm của Urs Fischer tại hội chợ.

Với sự tập trung kéo về việc tạo dựng mối quan hệ, doanh số thu về cũng chậm hơn so với các sự kiện Frieze khác. “Đối với các phòng trưng bày, họ không hướng đến việc bán ngay lập tức các tác phẩm mà chú trọng nhiều hơn vào những mối quan hệ, và từ đó thúc đẩy doanh số bán hàng trong tương lai.” Alex Branczik, giám đốc Sàn đấu giá nghệ thuật đương đại Sotheby ở châu Á chia sẻ với Artnet News.

“Tuy doanh số bán chậm, nhưng về lâu dài thì các nhà sưu tập Hàn Quốc rất trung thành,” giám đốc hội chợ Lee nhận định.

Martin Klosterfelde đến từ Sjarstedt, song hành cùng với 17 phòng trưng bày khác trong các gian hàng tập trung của Frieze Masters, đã bán trước một số tác phẩm cho các nhà sưu tập Hàn Quốc, vẫn nhận định rằng kiên nhẫn mới là mục tiêu chính yếu của cuộc chơi, “Ở Basel, mọi thứ đều xảy ra vào ngày đầu tiên nhưng tôi nghĩ, nơi đây sẽ bận rộn mỗi ngày như ở Hong Kong”.

Khách tham quan tại Frieze Seoul, 2022. Ảnh chụp bởi Lets Studio, dưới sự cho phép của Lets Studio và Frieze.

Tuy nhiên, các phòng trưng bày vẫn thông báo doanh số bán hàng cao nhất vào cuối ngày. Toàn bộ 15 tác phẩm của Hauser và Wirth (bao gồm một tác phẩm của Mark Bradford trị giá 1,8 triệu USD) về tay các nhà sưu tập ở Hàn Quốc và khu vực rộng hơn. Tác phẩm Condo trị giá 1,6 triệu USD của Sprüth Magers về tay nhà sưu tập Trung Quốc. David Zwirner bán tác phẩm điêu khắc của Donald Judd với giá 850,000 USD trong khi Pace bán bức tranh lụa với giá 475,000 USD cho một bảo tàng ở châu Á. Almine Rech bán một tác phẩm của Ha Chong Huyn với giá dao động từ 300,000 USD đến 400,000 USD và Lehmann Maupin bán tác phẩm mới của Nari Ward với giá 275,000 USD.

Hội chợ cũng có sự hiện diện đông đảo của các nghệ sĩ, từ nghệ sĩ Katherine Bernhardt đang được chú trọng tại phòng trưng bày David Zwirner đến nghệ sĩ người Singapore Fyerool Darma của Yeo Workshop. Singapore đã và đang tự định vị mình là một ứng cử viên cho ngôi vị trung tâm thị trường nghệ thuật của châu Á — Sotheby’s đã tổ chức phiên đấu giá trực tiếp đầu tiên tại thành phố-bang này trong vòng 15 năm, thu về 18 triệu đô la vào cuối tháng 8.

Nhà trưng bày và cố vấn nghệ thuật Audrey Yeo, một trong những giám đốc dự án của hội chợ Sea Focus tại Singapore, cho biết vẫn còn nhiều cách để Singapore thâm nhập vào thị trường, “Một trong những điều tôi học được là bạn có thể phát triển tất cả phần cứng mà bạn muốn nhưng điều quan trọng nhất là phần mềm,” cô nhận định, “chúng ta có cơ sở hạ tầng tuyệt vời ở Singapore, nhưng tôi nghĩ lúc này cần tập trung vào nội dung và nghệ sĩ của mình để bắt kịp những gì đang diễn ra ở Seoul.”

Theo Artnet News

Giỏ hàng

No products in the cart.