23 May, 2023

TÍNH DÂN TỘC VÀ TÍNH NHÂN VĂN TRONG HỘI HỌA NGUYỄN HOÀNG HOANH

Cách đây khoảng 5, 6 năm, một người bạn gửi tôi ảnh bức tranh lụa đề tài mẫu tử, ký “Hoành”. Đấy là lần đầu tiên tôi biết có họa sĩ tên Hoàng Hoanh. Thoáng nhìn, có nét gần với tranh lụa Mai Trung Thứ. Ngắm kỹ,  thấy tác phẩm đậm chất Nam Bộ…từ các chi tiết nhỏ nhất. Cảm giác họa sĩ rất tỉ mỉ, cẩn trọng, cân nhắc từng chi tiết trên mặt tranh. Bút pháp, tạo hình, hòa sắc…nhuần nhị, đường nét mềm mại, uyển chuyển rất hài hòa.

Sau này, khi được tiếp xúc trực tiếp với sáng tác của ông nhiều hơn, tôi cảm nhận rõ tình cảm sâu sắc, sự tri ân của ông với những điều tốt đẹp mà hội họa mang tới cho ông.

Họa sĩ Nguyễn Hoàng Hoanh sinh năm 1937 tại Chợ Lớn cũ (Đức Hòa, Long An ngày nay). Năm 1953, ông theo học trường Mỹ nghệ Thực hành Gia Định. Năm 1960, tốt nghiệp Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn. Bạn học với Nguyễn Văn Thương, Trương Văn Ý, Lưu Tấn Phước, Đỗ Thị Tố Phượng. Trong đó Văn Ý và Tố Phượng là hai họa sĩ chuyên tranh lụa, thành danh ở Sài Gòn trước 1975.

Ông có hai người thầy lớn là họa sĩ Lê Văn Đệ – thầy dạy tranh lụa và họa sĩ Đới Ngoạn Quân – thầy dạy tranh thủy mặc. Bản thân ông vừa là họa sĩ, vừa là nhà giáo dạy họa và cũng đã từng có thời gian trong quân ngũ.

Về cơ bản, hội họa Hoàng Hoanh được sáng tác trên hai chất liệu lụa và sơn dầu. Sự nghiệp sáng tác được chia làm ba giai đoạn.

– Giai đoạn những năm thập niên 80, ông vẽ liên tục để gia đình vượt qua khó khăn; bởi sau năm 1975, ông không còn tài sản gì. Hội họa là phương tiện nuôi sống ông và gia đình nhỏ.

Ông viết: “Thập niên 80, tôi vẽ phục vụ tình cảm của nhiều người Việt sống tha phương nhớ nhà”. Đề tài phổ biến là quê hương, đất nước, con người Việt Nam…Trong đó có tranh thi thoảng (trùng lắp) mà ông đôi lần làm lại để “chia sẻ” với những người Việt xa quê muốn có hình ảnh thân thương quê nhà để ngắm nơi đất khách.

– Giai đoạn thập niên 90, không phải đau đáu về cơm áo nên ông sáng tác những chủ đề mang tính cá nhân. Ông được “tự do với cảm xúc nhìn riêng tư”. Các lời yêu cầu vẫn còn nhưng ông không phải phụ thuộc nhiều. Đây có lẽ là giai đoạn sung sức nhất, chín nhất về tạo hình nghệ thuật trong quá trình sáng tác của ông.

– Từ những năm 2000, ông tiếp tục sáng tác, theo mạch “cảm xúc cuộc sống”, tiếp tục cho ra đời những bức tranh nhiều chủ đề mà ông theo đuổi trong suốt 50 năm. Tuổi đã cao nhưng ông vẫn cần mẫn làm việc mỗi ngày. Thậm chí, có những tác phẩm sơn dầu kích thước trên 200cm, được ông hoàn thiện tỉ mỉ, kỹ lưỡng từ đôi tay nhiều năm cầm bút vẽ đầy nội lực, làm chủ kỹ thuật.

Một vài ý kiến chuyên môn cho rằng hội họa Hoàng Hoanh “hiền” quá, chưa có sự bứt phá trong tư duy tạo hình, chưa dám thay đổi phong cách, bút pháp… điều này khiến cho hội họa của ông ít tính mới.

Trên thực tế, xét về một góc độ nào đó, quan điểm ấy là hợp lý. Bởi với người nghệ sĩ làm nghề sáng tạo, trong suốt quá trình sự nghiệp, phải có sự thay đổi vào các khoảng thời gian khác nhau. Có nghệ sĩ, sau khi tìm được một lối tạo hình đẹp, một bút pháp riêng biệt, tự giữ “sự an toàn” ấy bởi nhiều lý do khác nhau. Có thể họ sợ khi đi tìm “tính mới” không vượt qua được chính mình trong khi phong cách ấy đang thành công, được người yêu nghệ thuật thích thú, sưu tầm. Động lực liên quan đến thành quả kinh tế đôi khi cản trở bước tiến phong cách nghệ sĩ. Và cuối cùng, do bản tính hiền hòa, niềm vui của họ đôi khi rất đơn giản “được vẽ mỗi ngày”; không nghĩ tới việc phải kiếm tìm một ngôn ngữ tạo hình phức tạp hay cao siêu quá.

Họa sĩ Hoàng Hoanh có lẽ ở trong tuýp người “khi vẽ không những là niềm vui và còn lo được kinh tế ”; bởi sau năm 1975, ông là trụ cột chính trong gia đình. Ngoài đời, ông là người có tấm lòng nhân hậu, thâm trầm, kín đáo. Vì vậy, những bức tranh của ông đều rất “khẽ khàng, nhẹ nhàng, hướng thiện”.

Ông tâm sự “Thiên nhiên, vạn vật, con người và đời sống. Tạo hóa đã dựng lên nó đẹp đẽ, quyến rũ và hoàn hảo không có gì thay thế được”. Vì thế hình ảnh làng quê đẹp đẽ, hữu tình với những phong tục, lễ hội, con người hiền lành, chất phác, những thiếu nữ xinh đẹp thanh thoát, mẹ và em bé đầy ấm áp yêu thương là những gì ông thấy và muốn khắc họa vào trong tranh.

“Ý trước, bút sau” với chất thơ mềm mại như thế thì lụa và sơn dầu có lẽ hợp với sáng tác của ông nhất. Ông khó có thể chọn sơn mài hay phong cách hiện đại như biểu hiện, trừu tượng để hợp thời, để nói được cái tôi tạo hình mạnh mẽ hơn mà gắn bó với phong cách “hiện thực, chân phương, giản dị làm cốt lõi”.

Đặc biệt nhất là “chất Nam Bộ”, bản sắc vùng miền đậm đặc trong hội họa Hoàng Hoanh. Từ tạo hình phong tục, kiến trúc, tạo hình nhân vật, đặc điểm thể chất, trang phục, đồ vật đến cỏ cây, cây trái…

Được tiếp thu kiến thức, nền tảng nghệ thuật tạo hình từ hai người thầy có hai phong cách nghệ thuật khác nhau là Lê Văn Đệ và Đới Ngoạn Quân. Vì thế, nghệ thuật vẽ lụa của Hoàng Hoanh tổng hòa văn hóa từ Đông sang Tây. Tạo hình nhân vật vững chãi bài bản phương Tây; chấm phá màu uyển chuyển thưa dày, mạnh nhẹ để tả ý kiểu phương Đông.

Mốc son cho sự nghiệp sáng tác của ông là tác phẩm lụa “Khởi nghĩa”, đạt Huy chương vàng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 1970. Cá nhân ông coi việc đó là rất tình cờ như một cơ may nhưng trên thực tế, bức tranh được Hội đồng Giám khảo đánh giá cao nội dung tác phẩm có tính dân tộc, tầm tư tưởng lớn, sâu sắc về “lòng yêu nước”, về “sức mạnh của toàn dân” khi đất nước nguy nan.

Tác phẩm “Cái chết trước giờ phóng sinh” được ông lồng ghép tinh tế từ những chi tiết tạo hình: Thiếu nữ đang quỳ gối nâng con chim (đã chết) trên đôi tay; bên cạnh là một cái lồng với nhiều con chim đang chờ được phóng sinh; làn hoa sen hồng tươi đang chờ làm lễ; bức phù điêu “ông hổ” với “đôi mắt thương cảm”, xót xa nhìn chú chim đã chết.  Những điều thiện lành và đẹp đẽ ấy chỉ đáng giá khi còn được sống. Com chim bé nhỏ kia đã rất gần đến tự do vẫn không thể giữ mạng được cho mình. Hai cảnh đối lập được đẩy lên kịch tính, khi sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc…

Tác phẩm “Cái chết trước giờ phóng sinh”

Mẫu tử là một trong những đề tài mang tính bền vững nhất của lịch sử hội họa từ Đông sang Tây với hàng nghìn năm. Hoàng Hoanh cũng như các họa sĩ khác vô cùng yêu thích đề tài này; và quan trọng nhất là rất hợp với tâm hồn mộc mạc, giản dị, tình cảm của ông.

Trong tác phẩm “Đợi chờ”, không chỉ đơn thuần người mẹ và em bé với vẻ đẹp vừa dân gian, vừa cổ điển mà chứa đựng trong đó nỗi đau về chia ly, mong đợi, ngóng chờ đoàn tụ sum vầy. Khi người chồng, người cha đi xa đã lâu chưa trở về nhà.

Tác phẩm “Đợi chờ”

Với gia tài đồ sộ với nhiều trăm bức đã được ông sáng tác, có nhiều tác phẩm đẹp, có giá trị lịch sử cũng như giá trị nghệ thuật. Trong đó, tính dân tộc, tính nhân văn, tình yêu thương con người… là đặc điểm nổi bật; xứng đáng nâng tầm hội họa Hoàng Hoanh ở một vị thế mới.

Xem kỹ tranh Hoàng Hoanh, thực sự khám phá được tầm tư tưởng triết lý sâu xa như tình yêu quê hương đất nước mạnh mẽ , tính nhân văn, tính triết lý sâu sắc mà nếu chỉ thoáng nhìn hờ hững chưa thể thẩm thấu hết được. Bởi những tác phẩm theo phong cách hiện thực dung dị dễ cảm thụ trực quan khiến cho người xem dễ lướt đi mà không trực diện nhìn sâu với nội tâm của chính nó.

So với nhóm họa sĩ trẻ tiên phong có tầm ảnh hưởng hội họa Sài Gòn thập niên 1970 như Trịnh Cung (1938), Đinh Cường (1939), Nguyễn Trung (1940), Nguyễn Lâm (1941), Hồ Hữu Thủ (1943) đã dấn thân, thành danh từ rất sớm thì hội họa Hoàng Hoanh như con suối nhỏ, trong veo, mát lành, âm thầm, lặng lẽ theo dòng chảy nghệ thuật xuôi ra biển lớn, hòa cùng nền nghệ thuật chung của dân tộc.

Đó là thành công của một đời nghệ sĩ.

Bài viết bởi Viet Art View

Giỏ hàng

No products in the cart.